Nhớ con nước cạn lúc hừng đông, anh em tôi mang rổ bì bõm lội cặp mé sông quê để đổ dớn (dụng cụ bắt cá đơn giản của người dân). Cá bắt được từ dớn thường là: bống dừa, bống trứng, lòng tong… Thi thoảng, dính được cá lớn, anh em tôi mừng lắm vì có thể mang cá ra chợ để bán lấy tiền mà đắp đổi qua ngày.
Người dân quê tôi vùng sông nước Cửu Long chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm tảo tần bên mảnh vườn, miếng ruộng. Do ở xa chợ, nên người dân lâu lâu mới lên chợ huyện một lần sau những ngày mùa. Thức ăn chủ yếu hằng ngày chỉ là con cá, con tép bắt được từ con nước sông quê. Cũng bởi vậy mà ở quê tôi gần như nhà nào cũng có một cái dớn được đặt ở mé sông trước cửa nhà hoặc ở con rạch nhỏ phía sau để bắt cá phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày.
Dân quê chỉ dùng dớn bắt cá để ăn chứ không dùng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mỗi buổi sáng xuống sông đổ dớn bắt được mớ cá là có thể kho khô quẹt ăn cả ngày. Cá đổ dớn chủ yếu là dạng cá nhỏ nhưng thịt ngọt lành mang nặng mùi sông nước miền Tây, dùng với cơm trắng là ngon hết ý. Cái dớn trở thành một dụng cụ gắn bó thân thiết với người dân quê, cùng dân làng trải qua bao truân chuyên, vất vả trong cuộc sống.
Trải qua bao nhiêu năm với biết bao sự thăng trầm, thay đổi, cái dớn quê tôi vẫn còn đó, góp phần cải thiện cuộc sống vốn dĩ cơ hàn, nghèo khó của người dân.