Nuôi cá trong bồn có nhiều thuận lợi hơn so với nuôi trong ao đất. Trên cùng một diện tích, nuôi cá trong bồn tuy đầu tư chi phí ban đầu có cao hơn nhiều nhưng năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất.
Mặt khác, nuôi trong bồn còn có nhiều điểm thuận lợi khác như: Dễ quản lý bồn bể và cá nuôi, nhờ sự chủ động địa điểm và quy mô nuôi. Nhờ không phải phụ thuộc vào thời tiết nên chủ động mùa vụ thả nuôi.
Thức ăn thích hợp cho cá bống tượng là trùn chỉ, cá, tép sống. Ảnh minh họa
Nuôi trong bồn nhờ mực nước cạn nên có thể dễ dàng quan sát được sự ăn mồi của cá mà tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế ô nhiễm nguồn nước cũng như tiết kiệm mồi. Dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi cá có biểu hiện bệnh.
Nhờ nuôi cách biệt với nền đáy nên ngăn chặn được sự thẩm lậu của vật chất hữu cơ vào trong đất. Sử dụng nguồn nước ít hơn do đó thải nước cũng ít hơn, nên hạn chế ô nhiễm môi trường. Cần ít công chăm sóc hơn so với nuôi trong ao, do đó chi phí lao động rẻ hơn.
Lựa chọn địa điểm nuôi cá bống tượng trong bồn là nơi có nguồn nước sạch, cung cấp nước thường xuyên, vị trí xây nơi yên tĩnh, chủ động việc cấp và thoát nước, thuận tiện giao thông. Tốt nhất là nơi có nguồn nước chảy tự nhiên như sông, suối. Đảm bảo đạt nhiệt độ của nước 25 - 270C, hàm lượng oxy hòa tan 5mg/l, độ pH 7,5 - 8,5.
Thiết kế bể/bồn nuôi có diện tích tốt nhất từ 100m2 trở lên, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn được xây bằng gạch, bên trong láng nhẵn. Độ sâu của bể/bồn 1,5 m, bên trong láng xi măng nhẵn, trên thành bể/bồn xây gờ ngang 10 cm để cho cá khỏi đi.
Có hệ thống cống cấp thoát nước riêng biệt. Ống cấp nước cách mặt bể/bồn 50 cm, tốt nhất nên thiết kế bể nuôi có nước chảy ra vào thường xuyên, trang bị máy bơm nước tự động tắt mở khi nước đầy. Nước bể/bồn nuôi ở dạng nên lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng.
Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, cho nước qua một bể lọc (có cát, than, sỏi...) chiếm 20 - 30% diện tích bể. Trên bể/bồn có mái che, lưới để giảm ánh nắng rọi vào nhiều. Đối với bể/bồn mới xây, ngâm phèn chua 100 g/m2, ngâm 2 lần, 2 ngày/lần, sau đó chà bằng bẹ chuối, phơi nắng 30 ngày, cấp và xả nước 3 - 4 lần.