Về vấn đề này, chiều ngày 6.7, đại diện Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin từ Báo điện tử Dân Việt, Công ty Điện lực Tây Hồ (thuộc EVN HANOI) đã khẩn trương xác minh, kiểm tra làm rõ theo nội dung khách hàng phản ánh.
Công ty Điện lực Tây Hồ giải thích, toàn bộ khu vực ngõ 310 Nghi Tàm hiện có 4 trạm biến áp giáp ranh và có 3 trạm biến áp có đường trục chạy song song (gồm các trạm An Thành, Nghĩa Dũng 14 và An Thành 3).
Ngõ 310, đường Nghi Tàm - nơi giáp ranh của 2 phường Quảng An và Yên Phụ, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội với hàng nghìn hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt và cơ sở sản xuất kinh doanh. (ảnh: XT)
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn phục vụ khách hàng trong mùa nắng nóng, từ đầu tháng 4.2015, Công ty Điện lực Tây Hồ đã tiến hành san tải, nâng công suất. Trong quá trình thi công để hạn chế việc mất điện Công ty Điện lực Tây Hồ đã tiến hành cắt điện từng phần, từng nhánh.
Cụ thể: Từ trạm biến áp An Thành 3 tới trạm biến áp Nghi Tàm 2B có 02 lộ đường trục chạy song song, khi san tải trạm biến áp An Thành 3 sang trạm biến áp Nghi Tàm 2B đã cắt điện 1 đường trục còn đường trục đi song song vẫn cấp điện bình thường và thời gian cắt điện 01 lần.
Bên cạnh đó việc cân đảo pha tại các trạm biến áp cũng được thực hiện thường xuyên như cân đảo pha 1 lộ đường dây của trạm biến áp An thành 3 (cắt điện nhánh 2 lần); cân đảo pha trạm biến áp An Thành: 4 lần (6 lộ xuất tuyến) nhánh khác nhau. Ngành điện cũng thay đầu cốt tiếp xúc nhánh hạ thế: 2 lần và tiến hành vệ sinh công nghiệp:1 lần; xử lý tiếp xúc và thay hộp phân dây: 1 lần; cân pha trạm biến áp Tứ Liên 11:1 lần; sự cố trung thế 2 lần; hoán đổi Aptomat nhánh tại trạm biến áp An Thành: 1 lần, cắt Aptomat tổng:1 lần.
Ngoài ra, theo lý giải của ngành điện thì khu vực đường 5m thuộc trạm biến áp Nghĩa Dũng 6 giáp ranh ngõ 310 Nghi Tàm. Trong tháng 5, Công ty Điện lực Tây Hồ đã tiến hành vệ sinh công nghiệp và đã tiến hành cắt điện trung thế 02 đợt khác nhau. Do là khu vực giáp ranh nên khách hàng sử dụng điện ngõ 310 mất điện nhưng khách hàng khu đường 5m sử dụng điện tại trạm biến áp Nghĩa Dũng 6 vẫn có điện (vì các trạm biến áp do nguồn trung thế khác nhau cấp, trạm biến áp khác nhau) hoặc ngược lại.
EVN HANOI khẳng định: “Tất cả các lịch cắt điện để duy tu, bảo dưỡng thiết bị đều được thực hiện đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt và được thông báo trên hệ thống truyền thanh của phường.
Đối với những trường hợp mất điện do sự cố đột xuất, hiện tượng bất thường đe dọa đến an toàn cho toàn bộ hệ thống điện, Công ty Điện lực Tây Hồ đã cử đội phát thanh lưu động thông báo sự cố mất điện đến khách hàng tại khu vực. Do vậy, không có việc cấp điện ưu tiên...” như người dân phản ánh.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ngay trong chiều 6/7, một đại diện tổ dân phố số 3 phường Quảng An tiếp tục khẳng định: Những lần mất điện đột xuất người dân ở đây hầu như không nhận được thông báo cắt điện, sự cố điện từ phía điện lực. “Tối khuya 23h hôm thứ 7 (4.7) nóng cao điểm cũng bị mất điện cho đến sáng sớm hôm sau. Còn hiện tại (17h ngày 6/7) khu vực nhà tôi cũng đang bị mất điện mà không rõ lý do” - Vị đại diện này nói.
Trước đó, đêm 4.7.2015, theo phản ánh của nhiều người dân khu vực này, họ đã rất kiên trì cảm thông với ngành điện. Nhưng vì hiện tượng bị mất điện đột xuất đã diễn ra quá nhiều lần, nhất là vào những giờ cao điểm ngày nắng nóng. Tuy mỗi lần chỉ diễn ra chừng 20 - 45 phút nhưng gây tâm lý bất an cho người dân, mất an toàn cho các thiết bị điện gia đình. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị bên "nhà điện" khắc phục nhưng nhiều tháng qua tình trạng mất điện vẫn không cải thiện. Đêm ngày 4/7 khi thời tiết nóng cao điểm thì sự cố điện ngõ 310 vẫn tái diễn. Không chịu nổi, người dân đã phản ánh với báo chí.
Việc EVN nói cắt điện có thông báo trước, người dân cũng phản ánh, chỉ lần gần đây nhất, cách khoảng vài tuần mới nhận được thông báo cắt điện luân phiên 2 ngày liền để sửa chữa. Những lần mất điện đột xuất khác, nhiều người dân không nhận được thông báo, kể cả sự cố tối ngày 4.7.2015 vừa qua.
Thực tế do tình trạng điện "phập phù", sự cố mất điện đột xuất kéo dài từ nhiều tháng mà không cải thiện tình hình và bên có điện bên bị mất điện chỉ trong cùng một khu vực, nên khiến người dân nghi ngờ có việc cấp điện “bên trọng bên khinh”.