Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, thị trường Mỹ phục hồi, nhờ thống kê doanh số bán lẻ tháng 10 tăng 1,2% - đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu giảm trở lại sau đó, khi một nhóm gồm các cựu nhân viên chính phủ thuộc Đảng Cộng hòa, các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý quỹ đầu cơ yêu cầu chủ tịch FED nên giảm bớt quy mô của kế hoạch kích thích kinh tế, do lo ngại rủi ro lạm phát.
Nhà đầu tư Mỹ vẫn còn hoài nghi về chương trình hỗ trợ tài chính mới |
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Dịch vụ xếp hạng tín dụng đầu tư Moody cũng cảnh báo chương trình cắt giảm thuế kéo dài từ thời cựu tổng thống George W. Bush có thể tác động tiêu cực đến hạn mức tín nhiệm của Mỹ.
Chỉ số S&P 500 chốt phiên giảm 0,1% còn 1.197,75 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 0,1% lên 11.201,97 điểm.
Chứng khoán châu Âu phục hồi lần đầu tiên trong bốn ngày, nhờ hiệu ứng tích cực từ thông tin doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ tăng. Sau khi dao động lên xuống khoảng chín lần, chỉ số Stoxx Eorupe 600 của khu vực châu Âu tăng 0,8% lên 272,36 điểm.
Chỉ số chứng khoán chính của 18 thị trường Tây Âu đều tăng, tiêu biểu như chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,4%, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,9%, chỉ số DAX của Đức và chỉ số ISEQ của Ireland đều tăng 0,8%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á chốt phiên chiều 15-11 mất điểm, khi các thông tin thị trường cho thấy một số ngân hàng Trung Quốc đã tạm dừng các khoản cho vay. Chỉ số MSCI của khu vực châu Á Thái Bình Dương đóng cửa giảm 0,3% còn 131,69 điểm. Riêng chỉ số Nikkei 225 của Nhật hôm qua tăng 1,1%, sau khi thống kê GDP quý ba tăng cao hơn kỳ vọng.
Thúy Yên