Trong quan niệm tôn giáo Chămpa, Linga và Yoni là thế giới linh vật tượng trưng cho dương và âm. Linga là bộ sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Siva - một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo - biểu tượng cho dương tính và năng lực sáng tạo. Còn Yoni là bộ sinh thực khí nữ, tượng trưng cho thần Uma - vợ của thần Siva - biểu tượng cho âm tính.
Thế giới linh vật ở Mỹ Sơn có nhiều hình dáng khác nhau như hình trụ thẳng, hình chậu vuông, hình chậu tròn với rãnh thoát nước ở phần cạnh. Nhiều linga được cấu tạo bởi ba phần khác nhau, gồm phần dưới hình vuông tượng trưng cho thần Brahma - thần sáng tạo thế giới, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho thần Visnu - thần bảo tồn thế gian và phần trên cùng hình tròn tượng trưng cho thần Siva - thần hủy diệt và tạo dựng. Ở đầu tròn của Linga còn có hình trang trí.
Vào thời kỳ vua Prakasadharma (năm 653) có tục dâng cúng những Kosa cho Linga, Kosa là những bao hình trụ rỗng, bằng vàng hay bạc có hình thần Siva dung để bọc những Linga. Trong một bia Mỹ Sơn đã so sánh chiếc Kosa bọc Linga như “vầng trăng trong sáng không tì vết” và “tồn tại lâu dài trên thế giới này như mặt trời và mặt trăng”.
Hơn 1000 năm tồn tại, quần thể tháp Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn dù bị hư hại nhiều nhưng những bộ Linga –Yoni vẫn còn tồn tại khá nguyên vẹn, giữ được giá trị nghệ thuật và văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào dân tộc Chămpa.
Một góc thánh địa Mỹ Sơn với hình ảnh núi thiêng ở xa xa.
Khu B với bộ Linga-Yoni còn nguyên vẹn.
Trang trí hình Jata (một loài mũ) ở đầu tròn của Linga.
Linga ở khu tháp F với cấu tạo ba phần khác nhau.
Yoni tượng trưng cho thần Uma-vợ của thần Siva-biểu tượng cho âm tính.
Một kiến trúc tại bệ thờ Yoni.
Hình dạng khác của Linga tại thánh địa Mỹ Sơn.