Dân Việt

Ghe bầu vùng thượng nguồn

Bài, ảnh: Đoàn Xá 08/07/2015 08:43 GMT+7
Mặc dù mới đầu mùa mưa, nước nổi phía thượng nguồn chưa tràn về nhưng hiện nay nhiều trại xuồng đóng ghe bầu ở thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu miệt đồng bằng đã rộn ràng tiếng cưa, tiếng đục.
Những năm gần đây, dù ghe máy, ghe composit, đuôi tôm… đã chiếm lĩnh mặt nước nơi đây nhưng những chiếc ghe bầu thì vẫn thế, vẫn thủy chung cùng ngư dân nghèo như hàng trăm năm trước khi con người lần đầu đặt chân tới vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Tân Hồng, An Phú…này.
img
Thân thương hình ảnh ghe bầu mùa nước về.

Khác với ghe bầu ở xứ hạ lưu, ghe bầu vùng thượng nguồn nhỏ hơn rất nhiều, chỉ dài chừng 4-5 mét nhưng khá rộng, có khi tới gần 2 mét. Theo bác Sáu Tín, một người đóng ghe lâu năm ở Tân Châu thì khi mùa nước nổi, dòng chảy mạnh nên ghe nhỏ, ghe độc mộc thường khó di chuyển.

Chỉ những loại ghe bầu, thân phình to, kết cấu chắc và có độ cân bằng lớn mới có thể di chuyển, giúp người dân đi lại dễ dàng trong mùa nước, nhất là khi có chở thêm hàng hóa. Hơn nữa, lợi thế của ghe bầu là giữ thăng bằng cực tốt nên nhiều người làm nghề đánh cá, câu đêm, thả đăng, giăng bẫy, hái bông thường chọn ghe bầu để mưu sinh được dễ dàng hơn.

img
Nghề đóng ghe bầu.
img
Ghe bầu phía thượng nguồn.

 

Về kỹ thuật đóng ghe, ông Sáu cười, tiếp: “Tôi làm nghề này tới nay đã chừng 40 năm, từ khi còn chưa lấy vợ. Đến nay, dù có nhiều thay đổi nhưng cách thức, dụng cụ đóng ghe vẫn vậy. Hầu như tất cả các công đoạn đều dùng tay và các kỹ thuật đơn giản, không máy móc hay hỗn hợp hóa chất nào”.

Vừa nói, ông vừa chỉ tay vào những cưa, bào, đục, rựa, rìu… những dụng cụ mà nếu không tận mắt chứng kiến, người ta tưởng nó chỉ còn trong chuyện kể. Đặc biệt, thợ đóng ghe bầu không bao giờ dùng đinh, dù toàn thân ghe được tạo lên bởi những phiến gỗ mỏng. Bác Sáu bảo, đóng ghe tuyệt đối phải ghép mộng, nghĩa là gỗ đóng vào trong gỗ chứ dùng đinh, đi dưới nước ít bữa dễ bị gỉ sét, nước tràn vô ghe. Về giá ghe, bác bảo, hiện nay, trại ghe của tôi đã nhận được 4 đơn đóng, mỗi cái làm bằng gỗ trắc nhưng giá chỉ 4,5 triệu đồng, đang cố gắng hoàn thành để khách kịp sử dụng cho mùa nước mới.

Do nghề nghiệp, tôi đã có nhiều thời gian để rong ruổi vùng thượng nguồn vùng Vĩnh Xương, Thường Phước, Thới Tiền… nơi con sông Tiền chảy vào địa phận đất Việt. Ở đó, nếu tìm ra một hình ảnh nào đặc trưng, riêng biệt nhất của người dân sông nước thì có lẽ chính là những chiếc ghe bầu.

Nhưng chiếc ghe như chèo từ quá khứ tới bây giờ, dưới đôi tay mỏng mảnh của những người phụ nữ miệt đồng bằng. Những chiếc ghe giữa mênh mang nước nổi vẫn lướt êm êm khiến một người lữ khách như tôi vừa thích thú, vừa sợ hãi bởi quá nhiều bất trắc. Vậy nhưng, khi ngồi cùng những người dân nơi đây mới biết, nếu là ghe bầu, dù có sóng lớn cũng không bao giờ bị lật. Có lẽ đó chính là lý do mà hàng trăm năm rồi, nó vẫn còn là phương tiện được nhiều người lựa chọn.