Nhìn nhận về vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước, luật sư (LS) Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Hiện vụ án đang được điều tra làm rõ nên việc suy đoán về động cơ gây án trong vụ này chỉ là võ đoán.
Nhưng theo thông tin những gì có được, có thể thấy sát thủ trong vụ án này đã ra tay một cách chuyên nghiệp, lạnh lùng và tàn nhẫn. Nếu là một vụ giết người để cướp tài sản thông thường thì việc ra tay sát hại nạn nhân sẽ theo kiểu tấn công bừa bãi chứ không theo một cách thức nào. Thứ hai là hiện trường sẽ có sự xáo trộn khi đối tượng tìm kiếm, lục lọi tài sản của nạn nhân. Qua mô tả hiện trường, tôi suy đoán tham gia trong vụ án này là nhiều đối tượng, có tổ chức chặt chẽ, nên chúng ra tay một cách nhanh gọn, bài bản và không bị phát hiện.
Còn theo ông Nguyễn Thân - nguyên thẩm phán TAND Tối cao, trong vụ thảm án ở Bình Phước, hành vi của hung thủ là giết chết nhiều người với phương thức hết sức man rợ. Ông Thân cũng đồng ý với quan điểm vụ việc này có dấu hiệu của việc nhiều đối tượng cùng tổ chức hành động.
Lý giải về sự tàn ác ngày càng tăng trong một số vụ án hình sự gần đây, khi đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại nhiều người như vụ giết 4 người trong một gia đình ở Nghệ An, hay vụ Nguyễn Hoài Nam (Tiền Giang) sát hại 3 người trong vòng 40 ngày để cướp tài sản, ông Thân cho rằng đối tượng phạm tội có thể bị ảnh hưởng từ phim ảnh, hoặc qua Internet với những cảnh đâm chém sát hại nhiều người. Với người xem quá nhiều những hình ảnh này, có thể tâm lý và trí não họ quen dần và khi ra ngoài đời, họ coi đó là việc bình thường (?).
"Với nhịp độ hối hả của cuộc sống, con người thích hưởng thụ nhiều hơn, bộc lộ cái tôi nhiều hơn nhưng một bộ phận không nhỏ lại thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản. Không những thế, không ít người sống vô cảm, bàng quan, thờ ơ với xã hội nên cái ác dễ nảy sinh trong nhiều hoàn cảnh không lường được" - ông Thân phân tích.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tạo - nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, việc tội phạm ngày càng có xu hướng ra tay tàn độc, manh động, có thể có tổ chức là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo ông Tạo có vấn đề ảnh hưởng từ sự xuống cấp của đạo đức xã hội.
“Vụ thảm án ở Bình Phước hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân, động cơ phạm tội. Nhưng nếu do mâu thuẫn mà gây nên thì đây là thể hiện của sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức, kỷ cương trong xã hội, chứng tỏ công tác trấn áp tội phạm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân chưa hiệu quả, chưa đủ mạnh mẽ” - ông Tạo nhấn mạnh.
>> Mất niềm tin “cái thiện thắng cái ác”