Nằm sừng sững trên đỉnh đèo Hải Vân, Hải Vân quan là ranh giới nối liền giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi này vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính độc đáo.
Theo Bách khoa toàn thư mở, Hải Vân Quan xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470).
Hải Vân Quan nằm chênh vênh trên đỉnh núi. Từ khi có hầm đường bộ Hải Vân, quán xá cũng như du khách ghé Hải Vân quan không còn đông đúc như trước.
Con đường nhỏ dẫn lên Hải Vân Quan là những bậc thang cũ kĩ, nhuốm màu thời gian.
Cổng vòm cao của cửa ải một thời giờ đây bám đầy rêu xanh, sờn cũ. Hải Vân Quan được xây bằng gạch, cao khoảng 10 mét, bên trên là một tầng riêng, có cửa sổ để nhìn ra xa.
Mặc cho sự tàn phá của thời gian và thiên tai, Hải Vân Quan vẫn giữ được cấu trúc chắc chắn và độc đáo.
Xưa kia, những lớp tường được xây khá công phu, ngoài mục đích vững chắc còn nhằm che chắn để chống lại những cuộc tấn công.
Những viên gạch xây cửa ải giờ đây đã ngả màu đen, bám đầy rêu.
Đứng trên Hải Vân Quan, có thể đưa mắt “ôm trọn” cả thành phố biển Đà Nẵng thơ mộng hay những ngôi làng nho nhỏ, thấp thoáng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là trạm dừng chân của nhiều du khách khi đi trên đèo Hải Vân.