Nam Thịnh là xã ven biển phía nam huyện Tiền Hải. Toàn xã có 600ha vùng đầm và bãi triều cho nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm nay, nuôi trồng thủy sản là thu nhập chính của bà con nơi đây.
“Đồng vốn gỡ khó”
Chúng tôi đến thăm ông Mai Mạnh Khởi (xóm 2, xã Nam Thịnh) khi ông và vợ đang băm cá biển để làm thức ăn cho đàn cá vược và cá song. Ông Khởi giải thích: “Cá vược và cá song chỉ ăn thức ăn tự nhiên. Lúc cá bé thì nghiền nát cá biển cho chúng ăn, lúc cá lớn thì cho thức ăn thô to dần. Thịt cá vược và cá song rất chắc, ngon ngọt tự nhiên nên dù giá cao (cá vược 120.000 đồng/kg, cá song 210.000 đồng/kg, cá thương phẩm có trọng lượng 3-4 kg/con) nhưng vẫn đắt hàng”.
Với 0,7ha diện tích mặt nước, sau 2 năm nuôi cá vược và cá song, gia đình ông Khởi có khoản thu khoảng 300 triệu đồng, trừ các chi phí, vợ chồng ông vẫn còn 150 triệu đồng”.
Vay vốn và lập tổ liên kết
Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý vốn vay, ông Trần Văn Xương – nguyên Chủ tịch Hội ND xã Nam Thịnh, hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã, chủ Dự án “Đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản cá nước lợ đảm bảo vệ sinh môi trường” cho biết: “Ngay sau khi nhận được vốn ủy thác cho vay vốn của T.Ư Hội NDVN, Hội ND xã Nam Thịnh đã tiến hành họp các chi hội, bình xét công khai các hộ vay vốn.
Ưu tiên cho những người có kinh nghiệm nuôi, có chí thú làm ăn và có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sau hơn 1 năm triển khai dự án chúng tôi có thể khẳng định vốn vay đã đến đúng đối tượng và sử dụng đồng vốn rất hiệu quả. Được vay vốn đúng lúc, nhiều hộ dân đã có lãi ròng từ 200 triệu đồng/ha nuôi thủy sản”.
Theo lời ông Xương, trước đây các hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng tự phát, ít khi tham khảo hay trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau. Với việc cho vay vốn Quỹ HTND thông qua dự án này, các hộ vay vốn đã tập hợp lại thành Tổ ND liên kết nuôi trồng thủy sản trên vùng chuyển đổi (từ lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản). Không chỉ trao đổi thông tin với nhau về giá cả thị trường và phòng dịch bệnh, hàng tháng các hộ còn tham gia dự án họp kiểm đếm tiến độ đầu tư của từng hộ và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật với nhau. “Đồng vốn quỹ và nghề cá đã giúp những ND đơn lẻ dần quen với khái niệm kinh tế hợp tác” - ông Xương nhấn mạnh như vậy.