Nếu được điều chỉnh thì đây là lần thứ hai trong năm giá than bán cho điện được điều chỉnh tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đẩy giá điện tăng mạnh vào cuối năm nay...
Than tăng bao nhiêu thì điện lên bấy nhiêu?
Ông Trần Viết Ngãi-Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, giá than tăng lên bao nhiêu thì giá điện phải tăng lên tương ứng bấy nhiêu. Vì giá thành điện phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu, chiếm 60% trong 1 kWh điện.
Hiện điện đang bán dưới giá thành và còn lỗ (chỉ năm ngoái là lãi vì chạy thủy điện nhiều) do phải chạy nguồn đắt tiền nên việc điều chỉnh mạnh giá điện tới đây là khó tránh khỏi. Ông Ngãi cũng cho rằng, giá điện của Việt Nam hiện chỉ 6 cent/kWh trong khi giá thế giới là 8-9 cent/kWh. Giá thành cao, giá bán thấp nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ đến nay ước lên tới 40.000 tỷ đồng không biết lấy gì để trả.
“Nếu không tăng giá điện cuối năm nay thì hàng chục dự án điện BOT sẽ không thể triển khai và an ninh năng lượng quốc gia cũng không thể bảo đảm” - ông Ngãi nhận định.
Chi phí sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tăng sẽ kéo theo việc tăng giá điện (ảnh minh họa: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh). |
Thực tế, giá than bán cho sản xuất điện đã được điều chỉnh một bước, bù đắp được giá thành năm 2011 (giá than bán cho điện tăng 40% kể từ 20.4.2013). Ngành than đề nghị điều chỉnh giá tiếp là để bù đắp giá thành sản xuất năm 2013. Bộ Công Thương cho biết, các bộ vẫn đang xem xét trình Chính phủ thời điểm và biên độ tăng giá than phù hợp.
Hiện tại, than chiếm khoảng 70% giá thành nhiệt điện than, trong khi tỷ lệ nhiệt điện than chiếm khoảng 1/4- 1/3 tổng cơ cấu nguồn phát điện. Việc giá than tiếp tục tăng sẽ khiến chi phí sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tăng đáng kể, gây sức ép rất lớn lên khả năng cân đối tài chính của ngành điện.
Trong khi đó, mới đây EVN đã cho biết, năm 2013, EVN dự kiến tăng chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng để huy động các nhà máy điện chạy dầu FO trong mùa khô, đồng thời dành khoảng 30.289 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi vay. Khó tránh việc những khoản lỗ này sẽ được phân bổ vào giá thành điện để điều chỉnh giá trong những lần tiếp theo tới đây.
Không thể tăng giá điện quá cao...
Hiện EVN vẫn chưa công bố kế hoạch tăng giá điện, nhưng tập đoàn này cho rằng, khó có thể trì hoãn việc tăng giá thêm nữa bởi sản xuất điện trong nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. EVN không thể mua đắt bán rẻ cũng không thể ép các nhà sản xuất bán điện với giá thấp.
Về quan điểm của EVN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, với các chi phí như than, xăng dầu... liên tục tăng cao như hiện nay thì việc tăng giá điện ở mức cao là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điện là mặt hàng thiết yếu nên Chính phủ cần cân nhắc phương án điều chỉnh giá thích hợp, tránh gây bất lợi cho nền kinh tế.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: Việc điều chỉnh giá bán điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động theo từng thời điểm, không chỉ riêng giá bán than cho điện. Do đó, “cũng không nhất thiết phải gắn điều chỉnh ngay giá điện, giá than cùng nhau”.
Hơn nữa, theo ông Doanh, thời điểm điều chỉnh giá than, giá điện, các bộ cần xem xét và đảm bảo cân đối chung thích hợp cho từng ngành nhằm không gây tác động xấu đến thị trường cũng như nền kinh tế.
Bộ Công Thương thừa nhận, việc tăng giá than bán cho sản xuất điện thêm 27% từ thời điểm 20.4.2013 đã khiến tình hình sản xuất điện trong các nhà máy nhiệt điện than của EVN gặp nhiều khó khăn. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - ông Đặng Huy Cường cho biết, giá than cho sản xuất điện tăng chắc chắn khiến giá thành sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện than tăng theo. Như vậy, khả năng giá điện sẽ tăng mạnh theo vào cuối năm nay là việc một tất yếu.
Mai Hương