Nhưng lâu nay đời sống nông dân không lên được bao nhiêu, có nhiều nơi nghèo đi, khổ hơn, như một số vùng phải di dời cho thủy điện chẳng hạn, là vì sao? Vì mồ hôi chảy ra nhiều mà không được đền bù hoặc đền bù không đầy đủ. Sản phẩm phải bán giá hạ, thậm chí nhiều khi bán dưới giá thành như chăn nuôi gà lợn thời gian vừa qua.
Có một vấn đề đã thành bệnh mãn tính là giá lúa. Lạ chưa, có không ít nơi ở đồng bằng sông Cửu Long nông dân phải bán giá lúa ngang giá thành hoặc chỉ một chút lời. Trung bình giá thành vụ lúa hè thu vùng này là 4.142 đồng/kg. Hiện nay nông dân bán lúa khô chỉ được từ 4.300 - 4.800 đồng/kg, có nghĩa hòa vốn hoặc lời rất ít.
Vợ chồng tôi sống ở TP.HCM thường mua gạo 20.000 đồng một ký. Chị Hai của vợ tôi làm ruộng ở Hậu Giang, bán thứ gạo chất lượng cao nhất hiện nay chỉ được 7.550 đồng/kg. Cả hai chị em cùng thiệt. Người bán gạo dưới giá thành, người mua gạo giá trên trời. Hỏi cái mười mấy ngàn đồng chênh nhau kia ai hưởng? Chắc không có chuyên gia kinh tế nào tìm ra được. Bởi vì cái gọi là cơ chế hay bộ máy để gây ra chuyện đó vô cùng tinh vi, phức tạp, có quá nhiều tổ chức giẫm lên chân nhau và lại thường không có trách nhiệm rõ ràng, rất dễ đổ thừa cho nhau vì cái chiêu bài “tập thể”.
Gạo xuất khẩu của nước ta có giá thấp nhất thế giới. Người bảo nông dân không biết trồng lúa chất lượng cao thì ráng chịu. Kẻ bảo khâu trung gian ăn quá dày. Nông dân thì theo thương lái. Người mua chịu thứ gì họ trồng thứ ấy. Trồng khác đi bán cho ai. Thế nhưng các ông bà trung gian thì vẫn bình chân như vại. Giá bán thấp thì thu mua thấp, chênh lệch vẫn nguyên, động não làm gì. Lương vẫn nguyên, thưởng vẫn nguyên...
Mồ hôi nông dân không rơi xuống đất để ra trái ngọt mà bay lên trời hay rơi vào túi ai không rõ. Chúng ta hô hào hỗ trợ tam nông, nói nhiều về tam nông. Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mà giá vẫn không nhúc nhích là vì sao? Sao không có một mệnh lệnh, không có kỷ luật dứt khoát. Sao không giao cho ông bộ trưởng nào, ông chủ tịch hiệp hội nào trách nhiệm rõ ràng- phải giải quyết được khâu giống, khâu cất giữ hay chế biến thế nào để cạnh tranh được với thị trường trong thời hạn quy định? Không làm được thì không thể yên vị. Như bà Thủ tướng Thái vừa cách chức ông bộ trưởng nông nghiệp chỉ vì để Thái Lan mất vị trí đứng đầu xuất khẩu gạo.
Vì người ta thấy mồ hôi của nông dân mà bay mãi lên trời thì cơ đồ đất nước sẽ lâm nguy trông thấy! Nhưng có vẻ như nhiều người có trách nhiệm của nước ta không trông thấy.
Nguyễn Quang Thân