Trong đó, dư nợ cho vay tại khu vực ĐBSCL đạt khoảng 117.489 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2012, chiếm 41% tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng trong khu vực.
Cụ thể, tính đến hết tháng 5.2013 dư nợ cho vay thu mua lúa gạo cả nước đạt khoảng 28.993 tỷ đồng. Riêng tại khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay thu mua lúa gạo đạt khoảng 22.167 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2012; cho vay xuất khẩu gạo đạt khoảng 9.552 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2012. Đối với chương trình cho vay thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2013, tính đến 1.7, các tổ chức tín dụng?trên địa bàn khu vực ĐBSCL đã cho vay đạt 2.644,46 tỷ đồng, tương đương với khối lượng thu mua là 342.961 tấn quy gạo.
Trong lĩnh vực thủy sản, tính đến hết tháng 5.2013 dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu của các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt khoảng 35.290 tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2012. Chỉ tính riêng cho vay đối với cá tra đã đạt khoảng 19.597 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), từ năm 2008 trở lại đây đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân khoảng 18%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành điều chỉnh lãi suất tiền gửi, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Riêng đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu), Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trần lãi suất cho vay và liên tục giảm trần này đến nay chỉ còn 9%/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm tới nay giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông - thủy sản sụt giảm, cộng thêm nhiều nước áp dụng các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng vốn không đúng mục đích, vay vốn ngắn hạn để đầu tư trung, dài hạn dẫn đến mất khả năng trả nợ, làm cho nợ xấu trong lĩnh vực này tăng lên...
Anh Thư