Nguy cơ mất luôn thị trường trong nước
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong năm 2014 đạt hơn 4% năm 2014 và khoảng 4,8% trong nửa đầu năm nay. Sản xuất chăn nuôi trong nước cơ bản đã đáp ứng được đủ các loại thực phẩm cho tiêu dùng và bước đầu cho xuất khẩu. Một số mặt hàng chăn nuôi của Việt Nam hiện cũng có sản lượng đứng ở tốp đầu của thế giới như đàn vịt có khoảng 90 triệu con, lợn hơn 27 triệu con…
Theo ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh, nhìn vào những con số xuất khẩu của ngành chăn nuôi, nếu so sánh với các lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp thì tỷ lệ xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Nếu như ở lĩnh vực trồng trọt, Việt Nam sản xuất ra cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa gạo… chủ yếu là dành cho xuất khẩu thì các sản phẩm chăn nuôi từ trước tới nay vẫn chủ yếu đáp ứng trong nước, giá trị chưa cao.
Một mối lo được nhiều người quan tâm hiện nay là, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ “ra sao” trước TPP - Hiệp định tự do thương mại giữa 12 quốc gia châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, Úc… khi mà chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; chưa sản xuất được con giống chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi phụ thuộc và nhập khẩu từ nước ngoài; liên kết sản xuất còn lỏng lẻo. TS Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, để sản phẩm của ngành chăn nuôi xuất khẩu được cần phải tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Theo số liệu công bố của các cơ quan chức năng, sản phẩm chăn nuôi vẫn còn tồn dư chất cấm, kháng sinh nên chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu không thay đổi tư duy sản xuất, sản phẩm chăn nuôi của người dân sẽ mất luôn cả thị trường trong nước vì người tiêu dùng sẽ quay lưng với sản phẩm kém chất lượng và tìm đến các sản phẩm nhập ngoại. Do đó, cần phải làm tốt cả 2 khâu là giá cả và đảm bảo an toàn thực phẩm”- TS Sơn nói.
Gỡ nút thắt cho chăn nuôi
Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đặt vấn đề: “Nút thắt đầu tiên của ngành chăn nuôi là lúc nào chúng ta cũng nói doanh nghiệp đi đầu tàu, nhưng doanh nghiệp thì không đủ sức đi đầu tàu. Hiện doanh nghiệp của Việt Nam bình quân chỉ có vốn đầu tư 5 tỷ đồng/doanh nghiệp, tương đương 250.000USD. Doanh nghiệp trong nước vừa nhỏ lại thiếu vốn, lãi suất ngân hàng lại cao thì làm sao thành đầu tàu được?”.
Một vấn đề khác đang tạo ra nút thắt cho ngành chăn nuôi, theo ông Lịch, đó là đất đai dành cho ngành chăn nuôi quá hẹp, doanh nghiệp muốn đầu tư phải lên miền núi, nhiều người hơn 50 tuổi rồi, bỏ ra 10 đến 50 tỷ đồng nhưng không có sổ đỏ, khi ông chủ ra đi con cái họ bơ vơ không biết dựa vào đâu. “Tôi nghĩ vấn đề đất đai không phải của Bộ NNPTNT nhưng Bộ cũng cần đề xuất vấn đề này lên Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ nút thắt về đất đai cho ngành chăn nuôi” - ông Lịch đề xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, vừa qua có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng giá thực phẩm của ngành chăn nuôi giảm là do Việt Nam đã mở cửa và nhập quá nhiều sản phẩm của nước ngoài. Tôi cho rằng đó không phải là lý do, cái chính là do nguồn cung trong nước đã vượt cầu trong khi sản phẩm của ngành chăn nuôi lại không xuất khẩu được. “Chắc chắn chúng ta không thể ăn hết được sản phẩm của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên muốn xuất khẩu được thì giá phải thấp hơn Mỹ”- ông Phát nói.
Ông Phát cũng “đặt hàng” Cục Chăn nuôi làm sao phải có giống đại gia súc ngang bằng với Úc, gia súc có sừng ngang bằng với Đan Mạch và gia cầm phải ngang bằng với Thái Lan. “6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 150.000 con bò Úc, thị trường muốn ăn bò Úc sao chúng ta không nuôi bò Úc?”- ông Phát đặt câu hỏi.
Bộ trưởng cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến tổ chức sản xuất… để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh không chỉ trên thị trường thế giới mà còn phải ngay trên sân nhà khi hội nhập ngày càng sâu rộng.