Nếu ai đã từng đi qua những tuyến đường ven biên giới ở vùng Tịnh Biên, Chi Lăng, Ba Chúc, Trà Sư… những ngày đầu mùa mưa như hiện nay sẽ thấy hàng trăm sạp mãng cầu nho nhỏ bên vệ đường mà nhiều khi chỉ đơn giản là chiếc mâm gỗ, chiếc rổ nhựa hay giỏ tre được dùng để đựng mãng cầu. Trái nào trái nấy thơm mùi đồi đất, đậm sắc xanh trong trẻo giữa rộn rã tiếng mời chào và nụ cười thân thiện của những phụ nữ Khmer.
Với những người dân vùng biên giới hiền lành này, cái quan niệm giản đơn là của mình trồng được, ăn không hết thì đem bán đi, đổi về một vài thứ cần thiết khác. Tôi đã từng theo chân một bác nông dân người Khmer hiền lành leo lên lưng chừng ngọn núi Sóc Rè ở đây để chăm chú xem từng trái cây khi hái. Bác Chau Bối, người nông dân ấy bảo, mãng cầu phải mở mắt, vết nứt hằn lên giữa những múi và màu xanh nõn chuyển dần sang trắng sáng thì mới hái. Nếu hái non quá, chắc chắn chỉ có thuốc kích thích nó mới chín được.
Điều đặc biệt nhất với trái mãng cầu ở vùng Tịnh Biên là mặc dù không to, đẹp và đều mắt như nhiều loại mãng cầu ngoại nhập nhưng trái cây ở đây hầu như không có hóa chất độc hại bảo quản nên người tiêu dùng khá yên tâm. Hơn nữa, mãng cầu Tịnh Biên vỏ mỏng, hạt nhỏ, thịt dày, lại dai và có vị ngọt lịm như đường khiến bất kỳ ai từng thưởng thức đều khó lòng mà quên được. Ngày nay, mặc dù nằm cách trung tâm Sài Gòn chừng hơn hai trăm cây số nhưng đường sá dễ đi, lại thêm nhiều tuyến du lịch từ trung tâm Cần Thơ, Long Xuyên, Mỹ Tho chạy về Tịnh Biên đã giúp cho mãng cầu nơi đây đi xa hơn, được nhiều người biết tới hơn. Và nó cũng làm cho những vườn mãng cầu ở vùng bán sơn địa này xanh ngút ngàn hơn.