Dân Việt

Công trình tiền tỷ, hiệu quả tiền "xu"

Công Xuân 11/07/2015 10:44 GMT+7
Dù tiền đầu tư hàng tỷ đồng, thế nhưng nhiều công trình thủy lợi ở huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đang bị bỏ hoang, hoặc không thể phát huy hiệu quả, gây lãng phí tiền của và bức xúc trong dư luận.

Thủy lợi nằm chờ ruộng

img
Sau nhiều năm bỏ hoang, hạng mục đập ngăn của công trình thủy lợi Tầm Rênh bị xuống cấp. (Ảnh: I.T)

Công trình thủy lợi Tầm Rênh (thôn Trà Ót, xã Trà Tân, huyện Trà Bồng) có tổng kinh phí đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình 30a. Công trình do UBND huyện Trà Bồng làm chủ đầu tư, dự kiến cung cấp nước tưới cho khoảng 5ha lúa của người dân trong vùng. Dù đã thi công hoàn thành từ năm 2012, thế nhưng, do ruộng chưa khai hoang nên nhiều năm sau đó, công trình thủy lợi này chỉ cung cấp nước cho sản xuất… trên giấy. Ông Hà Việt Bồng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân giãi bày: Việc huyện đầu tư công trình thủy lợi này là nhằm phục vụ nước tưới cho người dân trồng lúa. Thế nhưng trước đó, dù đã cấp đất cho 23 hộ dân ở khu tái định cư Cây Chò (thôn Trà Ót) để khai hoang trồng lúa nước, nhưng đồng bào không chịu làm. Dẫn đến công trình thủy lợi làm xong phải bị bỏ hoang đến 3 năm. Vừa qua, UBND huyện Trà Bồng đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng để nạo vét lại kênh mương. Ngay mới đây, xã Trà Tân đã tổ chức khai hoang 1ha ruộng để giao cho đồng bào, thế nhưng hiện cũng chỉ 3-4 hộ nhận làm.

Tu sửa để bỏ hoang

Gây lãng phí không kém là công trình thủy lợi Suối Ranh (thôn 3 xã Trà Thủy), cũng do UBND huyện Trà Bồng làm chủ đầu tư. Công trình này có kinh phí xây dựng hàng tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2003, dự tính ban đầu sẽ cung cấp nước cho 3ha lúa. Thế nhưng theo người dân trong vùng thì sau khi cung cấp nước được 2-3 vụ, công trình thủy lợi này bị hư hỏng, không hoạt động, dẫn đến toàn bộ đất lúa được khai hoang trước đó đành bỏ cho lau sậy mọc đầy. Năm 2007, UBND huyện Trà Bồng vẫn tiếp tục chi thêm 124 triệu đồng để đầu tư nâng cấp và sửa chữa hệ thống thủy lợi trên. Nâng cấp xong thì bỏ hoang công trình cho đến tận bây giờ.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy thừa nhận: Nhiều hạng mục của công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nên muốn sử dụng phải tu sửa lại. Tuy nhiên khu vực đầu nguồn con suối là đất rừng sản xuất nên người dân phát dọn để trồng keo rồi thu hoạch, dẫn đến nguồn nước của con suối bị cạn kiệt rất nhiều. Vừa qua, địa phương đã phải kiến nghị chuyển đổi diện tích trồng lúa hưởng nước từ hệ thống thủy lợi này sang trồng cây chịu hạn.

Một công trình thủy lợi khác là Nà Cà Tu (xã Trà Hiệp), cũng do chính quyền Trà Bồng làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Công trình được hoàn thành từ năm 2013, đến năm 2014 lại chi thêm gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, thế nhưng hiện cũng chỉ tưới chưa đến 1.000m2 ruộng.

Phóng viên báo NTNN đã nhiều lần liên lạc với đại diện chủ đầu tư là ông Hà Văn Đồng - Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng huyện Trà Bồng, để nắm rõ vụ việc và biện pháp khắc phục các công trình trên, tuy nhiên ông Đồng chỉ trả lời ngắn gọn bằng tin nhắn là "đang họp".