Cụ thể như đi xem hát cải lương (hay hát bội) mua vé hạng chót, ngồi xa sân khấu xem gọi là “vé hạng cá kèo”; còn đám trẻ nhỏ quậy quạng được mọi người khinh rẻ gọi là “đám lòng tong, lục chốt”. Riêng, con cá thiểu mỗi khi chị đi chợ mua về, bị má “chê đè” bằng câu “Cá linh, cá thiểu, ai biểu mày mua?”. Qua đó, chúng ta thấy giá trị con cá thiểu lúc bấy giờ như thế nào?.
Nay, trên đà phát triển dân số cùng với nạn khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản, cá, tôm ít dần đi, nên con cá kéo, cá linh, cá thiểu v.v... đã lên ngôi và chễm chệ đi vào nhà hàng, quán ăn thành những món “đặc sản” nhớ đời.
Tôi còn nhớ như in, lúc bấy giờ, gia đình ba má tôi là công nhân với số lương “ba cọc ba đồng” không đủ sống, nên việc chi tiêu trong gia đình rất dè sẻn. Cứ sáng sớm, má ra chợ mua những mớ cá vụn với giá rẻ; trong đó có cá thiểu về chế biến món ăn cho cả nhà thưởng thức.
Theo má ngày ấy, muốn mua được cá còn tươi, giá rẻ phải đi chợ sớm vì cá thiểu lên khỏi mặt nước là chết ngay. Dùng dao bén cắt vi, kỳ, bỏ ruột (không đánh vảy, vì vảy cá nhỏ khi rửa vảy tự trôi đi). Cho cá vào rổ, lấy lá chuối tươi xé nhỏ chà xát rửa sạch, để ráo. Kế đến, cho cá vào chảo nhỏ ướp gia vị (đường + nước mắm + tiêu + ớt) vừa khẩu vị. Đặt chảo lên bếp dưới ngọn lửa liu riu cho đến khi nước ướp rút vào cá sền sệt, cá mềm, nhắc xuống. Cuối cùng, thêm một ít mỡ (dầu), một ít tiêu xay, trái ớt sừng chín vào là xong!. Món nầy mà ăn nóng với canh khoai mỡ thì càng tuyệt!...
Nếu có dịp về Đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày này, mời bạn hãy khám phá cho được món cá thiểu kho quẹt thơm ngon và hấp dẫn. Và, tôi tin chắc khi ra về, bạn sẽ nhớ mãi món ăn “dân dã chân quê” nơi miền Tây hiền hòa và mến khách!...