Dân Việt

10 năm chịu đựng hôi thối

15/06/2011 17:15 GMT+7
(Dân Việt) - 10 năm qua, nhân dân thôn Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) ngày nào cũng chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, phải uống nước bị ô nhiễm. Tất cả cũng chỉ vì 4 hộ dân hành nghề hấp cá biển bỏ sỉ cho các chợ xả thải trực tiếp ra môi trường.

Đó là các hộ Phan Tấn Hóa, Phan Tấn Lược, Phan Tấn Phương và Phan Văn Cẩm. 4 hộ làm nghề này đã hơn 10 năm nên ngần ấy thời gian người dân ở đây phải cam chịu bịt mũi ăn cơm.

img
Nước thải tích tụ thành hồ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước nặng nề.

Dẫn chúng tôi ra hồ nước phía sau nhà các hộ hấp cá, ông Nguyên Quang - một người dân địa phương rầu rĩ: “Các chú thấy đó, bao nhiêu nước cá đều được họ thải ra đây. Lâu ngày nó tích tụ, mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy. Ngửi cả chục năm cái mùi này hỏi làm sao không đau ốm!”.

Hàng ngày, mỗi hộ hấp 1 tấn cá tươi, lượng nước thải vô tư tràn ra ngoài, chảy lênh láng và tích tụ thành vũng. Xung quanh vũng nước cây cối chết héo, ruộng lúa của người dân cũng bạc màu, có làm nhưng không có gặt.

Ngay cả nước ngầm trong thôn cũng ô nhiễm vừa tanh vừa mặn như nước biển. Trẻ em ở đây đau ốm liên miên, một số hộ có con nhỏ phải gửi con đi chỗ khác sống. 10 năm qua, người dân thôn Bàu Tròn nhắm mắt sống “liều” với ô nhiễm. Mới đây, Sở TNMT Quảng Nam cho cán bộ về kiểm tra sau đó giao cho UBND xã Đại An khắc phục, giải quyết vấn đề ô nhiễm do 4 hộ làm nghề hấp cá gây nên. Thế nhưng, văn bản là vậy, nhưng tình hình chẳng được cải thiện gì.

Về phía huyện, ông Trương Văn Huấn - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Đại Lộc, trả lời: “Sau khi Sở TNMT tỉnh về làm việc, chúng tôi đã yêu cầu UBND xã Đại An hướng dẫn 4 hộ dân hấp cá phải đảm bảo về môi trường khi sản xuất, khi họ tái phạm xã có quyền đình chỉ hoạt động của 4 hộ trên. Chúng tôi lại không thấy một báo cáo nào từ UBND xã Đại An về vấn đề này nên nghĩ 4 hộ dân trên đã chấp hành tốt rồi chứ (!)”.

Huyện thì chờ xã báo cáo, xã lại chẳng quan tâm, rốt cuộc dân thôn Bàu Tròn chịu trận.