Dân Việt

Thiếu nước, dân khoét trộm kênh lấy nước vào ruộng

Hùng Phiên 15/07/2015 12:00 GMT+7
Ruộng đồng khô khát, nhiều hộ nông dân đã hè nhau lén đục khoét các tuyến kênh mương bê tông, phá cửa xả nước hồ thủy lợi để cứu cây trồng. Sự việc trên đang gây nhiều xáo trộn tại khu vực hồ Hội Sơn, thuộc xã Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định).

Chi chít “lỗ mọt”

Ông Trần Nghệ - nhân viên Tổ đầu mối hồ Hội Sơn dẫn chúng tôi đi dọc các tuyến kênh bê tông đang bị người dân tự ý đục phá, đặt ống dẫn nước “lậu” vào ruộng của mình. Nơi nào có tuyến kênh đi qua ruộng đều bị “thương tích” chằng chịt, bờ kênh rò rỉ tứ tung. Chỉ vài đoạn trên kênh NC và NC1 đã có hơn 100 lỗ thủng do người dân khoét đục bờ bê tông để “thuổng” nước đưa vào ruộng. Nhiều vết phá bê tông bờ kênh rộng hơn gang tay, với đường ống ngầm trong đất vô tư dẫn nước về nhà để sinh hoạt, tưới cây, tắm gia súc...

img
Có rất nhiều điểm đục phá, dẫn nước “bí mật” dọc kênh mương nối hồ Hội Sơn. (Ảnh: Hùng Phiên)

Theo ông Nghệ, người dân miền núi Cát Sơn sản xuất theo kiểu ruộng bậc thang nên việc điều tiết nước rất phức tạp. Tình trạng đục khoét kênh mương lấy nước như trên đã xảy ra nhiều năm qua. “Người dân cứ hùa nhau lén đục bờ kênh vào giữa trưa hoặc ban đêm. Chính quyền cũng đã nhiều lần bỏ kinh phí để lấp trám bít các lỗ thủng kênh thủy lợi. Thế nhưng đâu lại hoàn đấy!” - ông Nghệ thở dài.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Hội Sơn, tình trạng “đục nước” đã làm thất thoát rất lớn lượng nước từ hồ Hội Sơn, phá vỡ kế hoạch điều tiết nước, khiến cho khoảng 50ha đất sản xuất ở phía cuối kênh phải bỏ trắng vụ hè thu. Việc tự ý đục phá, trộm nước như trên còn làm ảnh hưởng nguồn nước ngầm dùng cho sinh hoạt của hàng trăm hộ dân địa phương, nguy cơ hư hại công trình thủy lợi Hội Sơn.

Túng nước, đói ăn

Cũng theo ông Tuấn, lượng nước hồ Hội Sơn hiện chỉ còn 13,8 triệu m3/45 triệu m3 thiết kế. Tổ đầu mối có 3 nhân viên quản lý hồ, điều phối nước tưới cho gần 180ha đất nông nghiệp và tiếp nước cho hồ Thạch Bàn (cũng ở Cát Sơn). “Thế nhưng nước bị đục kênh làm thất thoát quá nhiều từ đầu kênh nên hồ Thạch Bàn hiện trơ đáy, không còn tác dụng tưới. Đã vậy, nhiều người dân còn phá hỏng các thiết bị đóng mở, điều tiết nước trên kênh. Tình trạng này làm cho đời sống bà con ở cuối kênh hiện rất khó khăn” - ông Tuấn than thở.

Bà Trần Thị Nhân (thôn Thạch Bàn Đông, Cát Sơn) phân trần: “Tình trạng tranh chấp nước từ hồ Hội Sơn đã âm ỉ không dứt nhiều năm qua. Do thiếu nước, nhiều khu vực ruộng ở Thạch Bàn Đông chỉ sản xuất được 1 vụ, còn lại phải bỏ hoang. Đa phần dân trong thôn này phải qua làng bên xin nước về dùng. Thiếu nước ăn uống, tưới tắm thì kham khổ, thiếu đói là chuyện thường”.

Chủ tịch UBND xã Cát Sơn - ông Võ Văn Nguyên hết sức căng thẳng trước tình trạng người dân “tự cứu” bằng cách đục phá kênh dẫn nước. “Địa phương luôn mở nhiều đợt tuyên truyền, xử lý nhưng chưa có cách quản lý triệt để. Lo lắng nhất hiện nay là khoảng một nửa dân ở Thạch Bàn Đông đang thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng. Nếu trời tiếp tục nắng nóng thì hộ thiếu đói sẽ tăng cao” - ông Nguyên nói.

Ông Nguyễn Bá Quyền - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 2, Công ty TNHH Khai thác công trình Thủy lợi Bình Định  cho biết: “Công ty và chính quyền huyện Phù Cát vừa thống nhất giao HTX Nông nghiệp và UBND xã Cát Sơn phải kiên quyết lấp các lỗ bị đục khoét dọc các kênh mương. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý người dân tự ý đục phá công trình thủy lợi. Các đội thủy nông dẫn nước vào ruộng cũng đang được khẩn trương tổ chức, không để người dân tự ý lấy nước bừa bãi”.