Vào những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi thủy điện Hòa Bình bắt đầu tích nước, ngập hết những khu sản xuất cũ, đời sống người dân Co Muông đã khó khăn càng khó khăn hơn. “Hơn 100 nóc nhà ở Co Muông ngày ấy hầu hết đều đói nghèo, làm quần quật cũng chỉ đủ ăn” – anh Dong xòe bàn tay to với những vết chai sạn sần sùi, đen nhẻm như để chứng minh những ngày tháng nghèo khổ, lam lũ ấy.
“Chỉ sau dăm năm, tôi đã có hàng chục con dê, hơn 20 con bò, nhiều gà, lợn lắm. Con nào hết tuổi lớn là tôi bán ngay để đầu tư vào nhà cửa, mua sắm vật dụng và con giống mới. Nhờ thế, có lúc đàn bò nhà tôi có tới 60 - 70 con, bằng đàn bò cả bản này cộng lại. Bà con thấy mình làm ăn được, học làm theo. Hộ nào chưa có giống, tôi bán trả chậm cho họ, thế là cả bản phát triển nghề chăn nuôi. Ngày nào cũng có khách đến hỏi mua bò, dê, lợn… vui lắm !” – anh Dong kể lại vậy.
Nay đã lớn tuổi, sức đã yếu nên anh Dong đã chuyển từ nghề chăn nuôi sang buôn bán tạp hóa ngay trong bản, nhưng anh vẫn duy trì đàn bò tới gần 20 con. Anh cho hay: “Tôi thuê người nuôi bò, mỗi năm khi trừ chi phí vẫn còn lãi ngót trăm triệu đồng từ bán bò giống. Còn cái quán hàng này tuy lãi không cao nhưng là chỗ để bà con trong bản có thể mua sắm nhiều thứ đồ dùng, thực phẩm hàng ngày, bởi ở đây xa chợ mà cũng 10 ngày mới có một phiên, nhiều lúc bí lắm”.
Già bản Vì Văn Xám nhận xét: “Dong là người tốt đấy. Nó ít chữ nhưng nói hay, làm giỏi nên đã làm trưởng bản nhiều năm liền. Co Muồng này đi lên được cũng là nhờ học và làm theo Dong đấy”.