Ngày 14.7, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho biết hai chiếc tàu chiến hiện đại của nước này vừa hoàn thành chuyến tuần tra kết hợp đầu tiên trên Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược này.
Cặp “song sát” tuần tra Biển Đông này của Hải quân Mỹ là tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen. Hai tàu chiến này bắt đầu cùng nhau thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông từ hôm 9.7.
Ông Rich Jarrett, sĩ quan chỉ huy tàu Fort Worth cho biết: “Hoạt động tuần tra hiện nay của chúng tôi với tàu USS Lassen thể hiện cam kết của Mỹ ở khu vực Ấn-Á-Thái Bình Dương và chứng tỏ khả năng thực hiện những hoạt động tự do trên biển cả của hải quân Mỹ”.
Ông Jarrett nói thêm: “Với việc được triển khai luân phiên đến khu vực này trong 16 tháng, những tàu chiến đấu ven biển như Fort Worth sẽ duy trì sự hiện diện thường xuyên để đóng góp cho sự ổn định trên Biển Đông”.
Trong chuyến tuần tra này, cặp “song sát” trên đã thực hiện các bài huấn luyện phối hợp di chuyển, tuần tra chung bằng trực thăng MH-60R Seahawk. Đây là chuyến tuần tra nằm trong khuôn khổ các hoạt động hải quân của Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ các “lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực hoạt động Ấn-Á-Thái Bình Dương”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang áp dụng chiêu “lấy thịt đè người” để gây sức ép với các quốc gia nhỏ hơn trên Biển Đông, nhằm phục vụ cho tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm vùng biển chiến lược này.
Sau khi Trung Quốc ráo riết thực hiện các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, Mỹ tuyên bố sẽ thường xuyên đưa lực lượng hải quân đến tuần tra ở vùng biển này, thậm chí áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc để khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không trên biển.
Các chuyên gia phân tích quốc tế nhận định rằng với những hòn đảo nhân tạo mới xây dựng cùng các cơ sở hậu cần, kho chứa dầu và các đường băng, Trung Quốc có thể đưa lực lượng quân sự sâu xuống trung tâm Biển Đông, khu vực vốn nằm ngoài khả năng hoạt động của các máy bay chiến đấu nước này.
Một số quan chức hải quân phương Tây và châu Á cũng lo ngại rằng Trung Quốc có thể có những động thái nhằm hạn chế tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông sau khi xây dựng xong các công trình quân sự trên những hòn đảo nhân tạo này.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hòn đảo nhân tạo không phải là những thực thể có chủ quyền và không có lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ cố tình “đổi trắng thay đen” và sẽ buộc các tàu thuyền nước ngoài không được đi vào khu vực 12 hải lý quanh những hòn đảo này.