Dân Việt

Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là quỹ ảo

16/11/2010 16:15 GMT+7
(Dân Việt) - Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối sẽ được tăng mức sử dụng từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù đắp mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xăng dầu theo chỉ đạo của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với lượng xăng dầu bán ra cụ thể: xăng: 1.200 đồng/lít, diesel: 1.000 đồng/lít; dầu hoả: 1.200 đồng/lít; mazut: 700 đồng/kg. Các doanh nghiệp xăng dầu lại tiếp tục lên tiếng "kêu ca". Bà Đàm Thị Huyền- Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đang rất khó khăn do biến động về tỷ giá VND/USD vừa qua. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trên thế giới tăng cao trong thời gian qua khiến doanh nghiệp tiếp tục lỗ.

Căn cứ vào giá cơ sở của Petrolimex ngày 11 và 12-11, giá bán xăng dầu trong nước đang thấp hơn khoảng 10% so với giá cơ sở. Cụ thể, giá xăng RON92 đang thấp hơn giá cơ sở là 1.709 đồng, diesel đang thấp hơn 1.482 đồng, dầu hỏa đang thấp hơn 1.795 đồng. Tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đã kéo dài từ giữa tháng 10 tới nay và doanh nghiệp đã gửi 2 văn bản kiến nghị giải quyết khó khăn lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nhưng không nhận được hồi âm.

Liên quan đến quỹ bình ổn giá, bà Huyền cũng cho biết: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là quỹ ảo. Bộ Tài chính nói là có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng thực tế là quỹ rỗng”. Bà Huyền lý giải, quy định trích quỹ 300 đồng/lít xăng dầu, căn cứ vào sản lượng của Petrolimex thì quỹ bình ổn của doanh nghiệp này phải ở khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã lỗ trong thời gian dài nên không bỏ được tiền vào quỹ trong thực tế. Cả 2 doanh nghiệp đầu mối khác là Petec và PV Oil cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Theo đại diện các doanh nghiệp đầu mối, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang tồn tại điểm bất hợp lý là việc cân đối hàng hóa, cung cầu thì do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm, nhưng cơ chế điều hành thị trường, giá cả lại do Bộ Tài chính quyết định. “Có mâu thuẫn ghê gớm ở đây. Thực tế thì Bộ Tài chính quyết, còn Bộ Công Thương chỉ… chạy theo”!- bà Huyền nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thực tế Quỹ bình ổn xăng dầu không nên để “nằm” trong doanh nghiệp, bởi có thể doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn quỹ này làm vốn kinh doanh! Khi họ đã kinh doanh thì đương nhiên giá thế giới lên cao, họ không còn vốn để bù. Theo TS Nguyễn Minh Phong-Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, "Quỹ bình ổn giá thực chất do người tiêu dùng đóng góp nên cần được giao về một mối quản lý độc lập, minh bạch mà không phải là doanh nghiệp".