Ớt cười…
Lâu nay, Phù Mỹ được mệnh danh là thủ phủ ớt của Bình Định. Đang chính vụ thu hoạch, xe lớn xe nhỏ tải ớt chạy vù vù trên các cung đường. So cùng thời điểm năm ngoái, giá ớt tăng đột biến, hơn gấp 10 lần nên nông dân như mở cờ trong bụng. Một số thầy cô giáo cho hay, nhiều học trò đã nghỉ ngang “ít ngày” để đi hái ớt thuê, đóng sọt, vận chuyển sản phẩm,... bởi hiếm có dịp tiền công được trả 200.000 - 600.000 đồng/người/ngày.
Tất bật phân loại ớt tại một cơ sở thu mua ở Phù Mỹ (Bình Định).
“Bình quân mỗi sào ớt lúc này hái được 1,5 tấn trái, bán với giá 18.000đ/kg thì thu được 27 triệu đồng. Trừ 3 triệu vốn đầu tư, cầm chắc lãi ròng 24 triệu đồng. Nhà nào làm vài sào ớt thì lúc này có thể đút túi mấy cây vàng!” - ông Trần Văn Toàn, người có hơn 10 năm trồng ớt ở xã Mỹ Quang (Phù Mỹ), cho biết.
TS.Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho hay: "Lẽ ra, phải xây dựng chuỗi giá trị cây ớt giữa doanh nghiệp - nông dân - nhà nước. Thế nhưng vận động nhiều mà chưa có doanh nghiệp nào “đưa tay” ký kết. Không thể mãi chịu cảnh thương lái Trung Quốc luôn “hô mây hóa vũ” thị trường! Họ luôn có lắm chiêu trò quấy phá sản xuất, giá cả hàng nông sản của dân ta! Địa phương đang tập trung bàn bạc với một số nhà máy sản xuất ớt khô, chủ động tạo dựng thị trường nhưng mọi chuyện vẫn còn hết sức khó khăn".
Làm ớt quá có ăn nên nhiều người đi hái luôn giữa trưa nắng lửa. Những ruộng ớt ở các xã Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Tài,… luôn rôm rả bà con hái ớt, và thương lái đến thúc mua tận ruộng. Lúc này, giá ớt sừng (loại trái to) được bán với giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, có thời điểm lên 20.000 đồng/kg; ớt kim (loại trái nhỏ) bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, có thời điểm 40.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Vấn (ở Mỹ Hòa, Phù Mỹ) cười bên ruộng ớt: “Nhà tui làm ớt vụ này được 2 sào. Đến giờ đã thu bán được 40 triệu đồng, trừ chi phí 5 triệu, còn lãi 35 triệu; tiêu xài xong, sắm một cây vàng. So làm lúa thì cây ớt có thu hơn gấp 5 - 6 lần”.
Mãi mãi cầu may?
Khung cảnh trên đối lập với năm ngoái, cũng tại Phù Mỹ. Mùa ớt năm qua, nông dân Phù Mỹ dở khóc dở mếu vì giá cả rẻ mạt, chẳng ai buồn hái, ớt chín rục đỏ đồng, đất cay xè…
Giữa “men say” mùa ớt này, ông Thái Bá Hùng (ở Mỹ Hòa, Phù Mỹ) nhớ lại: “Năm trước, tui trồng 4 sào ớt, thu 2 tấn trái/sào nhưng bị lỗ gần chục triệu đồng, ớt bỏ khô thúi đầy đồng. Năm nay, tui hạ xuống 3 sào, năng suất chỉ còn 1 - 1,5 tấn/sào nhưng lại thu khẳm. Làm ớt như đánh bạc, giá cả nhảy múa chẳng biết đâu mà lường. Xong vụ nào, biết vụ đó, chẳng bao giờ đoán trước điều gì. Người ta nói là do bên Trung Quốc quyết hết! Ở bển thích thì mua cao, không thích thì mình… chịu sầu!”.
Theo ông Ngô Đình Ba - Trưởng phòng NNPTNT Phù Mỹ, năm ngoái, diện tích ớt của huyện trên 1.000ha, năm nay chỉ còn 846ha; “điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ thế xoay tít mù người trồng ớt. Ở Phù Mỹ chủ yếu trồng ớt trái to để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này “lắc đầu” thì sản phẩm ớt lâm vào đường cùng. Thế nên cái vui mùa này chỉ là… một nửa.
Một nông dân Phù Mỹ trên đồng ớt có giá gấp 10 lần năm ngoái.
“Ở Phù Mỹ đã xuất hiện nhà nhà máy chế biến ớt khô và một số kho lạnh để trữ ớt xuất khẩu. Thế nhưng tất cả đều phụ thuộc thị trường phía Trung Quốc nên chẳng doanh nghiệp nào dám ký hợp đồng thu mua ớt của nông dân ngay từ đầu vụ. Vậy là giá cả cứ bấp bênh “đực, cái”, chẳng theo quy luật nào cả, nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương! Trong đà ớt thắng lớn như năm nay, có thể nông dân của huyện sẽ đẩy diện tích lên hàng ngàn hecta vào năm sau…” - ông Ba lo lắng.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho hay, ớt là cây trồng cạn nằm trong chương trình của tỉnh chuyển đổi diện tích lúa tưới bấp bênh. Thế nhưng địa phương khuyến cáo nông dân không phát triển đại trà, bởi không thể quyết định được giá cả…