Dân Việt

Thiếu nữ Raglai “nói không” với tục bắt chồng

Hương Huyền - Nguyễn Hùng 18/07/2015 14:58 GMT+7
Đã có một thời, nhắc đến Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) người ta nghĩ ngay đến cái nghèo với phương thức canh tác lạc hậu, và đặc biệt là nạn bỏ học, tảo hôn do tập tục bắt chồng của những thiếu nữ Raglai tuổi mới 13 - 14.

Bắt chồng từ tuổi mười ba

Ma Nới có hơn 700 hộ đồng bào Raglai sinh sống với tập quán canh tác lạc hậu. Toàn xã có 81ha ruộng lúa 2 vụ, nhưng trước đây bà con chỉ quen với 2 công đoạn gieo và cắt, còn mọi sự chăm sóc đều phó mặc cho trời. Chẳng thế mà năng suất nông nghiệp ở Ma Nới luôn vừa thấp vừa bấp bênh, đồng bào thường thiếu đói cả nửa năm. 

img

Thiếu nữ Raglai xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) tham gia Ngày hội trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Sơn Ngọc)

Một nguyên nhân khác dẫn tới cái nghèo ở Ma Nới là tập tục bắt chồng, tảo hôn của các sơn nữ khi tuổi đời vừa mới qua 10. Đồng bào Raglai ở đây vẫn sống theo chế độ mẫu hệ, con cái theo họ mẹ và nhà nào cũng mong sinh thật nhiều con gái để bắt được nhiều rể, có thêm nhiều lao động. 

“Con gái Raglai ở tuổi 12 - 13 đã được quyền “bắt” người con trai mình thích về làm chồng. Hễ thích chàng trai nào, cô gái sẽ trao cho người đó chiếc vòng tay bằng đồng hoặc chiếc vòng cổ để thông báo với xung quanh rằng anh ta đã có chủ. Sau đó, hai gia đình gặp nhau cùng hẹn ngày để nhà gái sang dắt chú rể về. Từ đó, người con rể sống suốt đời bên nhà vợ, chịu sự quản lý của vợ...” - già Ca Mau Mang ở ấp Tà Nôi cho biết. Nếu như người Kinh mong sinh con trai để có người “nối dõi tông đường” thì đồng bào Raglai ở Ma Nới lại mong đẻ thật nhiều con gái để “bắt rể”. Ngày trước, gia đình nào ở đây ít nhất cũng có 3 - 4 đứa con, nhiều thì lên tới 8 - 9 đứa và đa phần các em, đặc biệt là trẻ gái bỏ học rất sớm để lấy chồng. 

Đầu tư vào việc học

Từ năm 2008, khi Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hóa tại Ma Nới” được Sở Khoa học - Công nghệ Ninh Thuận triển khai, bộ mặt kinh tế -xã hội ở Ma Nới đã thay đổi nhanh chóng. 

"Chúng tôi coi học tập là một trong những mũi nhọn trong quá trình phát triển của địa phương”.
Ông Ca Mau Voa

Nhờ 5 mô hình sản xuất nông nghiệp thâm canh gồm cây lúa nước, ngô lai, sắn, điều ghép trồng xen cây họ đậu trên vùng đất dốc, kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc có sừng và bảo vệ rừng đầu nguồn gắn với xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi tưới tiêu ở các địa hình, đồng bào Ra Glai đã dần nắm được cách chọn giống cây trồng phù hợp và biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Có thể xem đây là một “cuộc cách mạng” giúp người Raglai ở Ma Nới dần đổi đời.

Biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhận thức của đồng bào cũng dần tiến bộ, một số nghề phụ đã được khai thác để tăng thu nhập, việc học hành của con cái đã được quan tâm hơn và đặc biệt là các vụ tảo hôn đã giảm đi đáng kể. “Chúng tôi quyết bằng mọi giá phải để trẻ em được đến trường. Hiện nay, nhờ dự án đầu tư của Nhà nước, đời sống của bà con đã khấm khá lên, chắc chắn tỷ lệ các cháu được đi học còn tăng cao hơn” - ông Ca Mau Voa - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Ma Nới khẳng định.