Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU họp đi họp lại nhiều lẫn mà vẫn chưa có được sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa các chính phủ, quốc gia thành viên với nhau và giữa EU với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về phương án cứu trợ và lộ trình thực hiện cụ thể. Trong bối cảnh ấy, cái họa tiếp đối với Hy Lạp là sự tụt bậc xếp hạng tín nhiệm của công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors.
Cả hai chuyện lại liên quan mật thiết với nhau. Vì khả năng không đáo nợ mà phải hoãn nợ và thậm chí cả xoá nợ cho Hy Lạp mà Standard & Poors đã hạ thấp mức độ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống thấp đến mức tưởng như không thể thấp hơn được nữa đối với đối tượng là quốc gia. Nhưng cũng vì việc hạ thấp mức độ xếp hạng tín dụng này mà cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp trở nên trầm trọng hơn và tình thế đối với EU trở nên bức bách hơn.
Cái khó đối với EU và cũng đồng thời là bản chất cái hoạ đối với Hy Lạp là thành công rất ít ỏi của mọi hoạt động cứu trợ Hy Lạp từ trước đến nay và cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp kéo đồng euro lâm vào nguy cơ cũng bị khủng hoảng.
Việc Hy Lạp vẫn chưa thoát được ra khỏi khủng hoảng và thậm chí tình trạng còn xấu hơn trước là bằng chứng cho thấy cung cách cứu Hy Lạp mà EU đã thực hiện không hiệu quả và chưa thích hợp.
Điều khiến EU lo ngại và gây bất dồng quan điểm sâu sắc giữa chính phủ các quốc gia thành viên với Ngân hàng Trung ương châu Âu là nếu cứ tiếp tục rót tín dụng cho Hy Lạp như từ trước tới nay thì rồi khả năng tài chính mà EU có thể huy động được từ phía các thành viên EU sẽ sớm bị can kiệt.
Cho nên cái hoạ đối với cả Hy Lạp và EU mà cả hai đều đang chưa biết phải tránh như thế nào là nguy cơ phải lựa chọn giữa bỏ Hy Lạp để cứu đồng euro hay ngược lại.
Huệ Như