Những chiếc gùi Cơ Tu treo trên giàn bếp để tăng độ bền. (nguồn ảnh: Lăng A Cúi/Báo Quảng Nam)
Nghệ nhân Alăng Đíh (73 tuổi) vui vẻ đưa chúng tôi xuống chái bếp của gia đình để “mục kích” các loại gùi (dòng), tà lét, rê, chuy, cà vông… được treo la liệt trên giàn bếp đã lên màu cánh gián.
Mỗi cái gùi tuỳ theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp. Theo già Đíh, gùi (dòng) là một loại gùi tương đối lớn. Muốn gùi củi, sắn, khoai... thân gùi được đan thưa và lớn; còn nếu gùi gạo, lúa, muối... thì thân gùi phải đan kín (khít).
Thông thường, phụ nữ là người mang những gùi này. Cái "tà lét" cũng tương tự như cái gùi, nhưng phần thân ngắn và nhỏ hơn, được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở thân gùi, hai ngăn này được dùng để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa... để đi rừng, rẫy. Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian. Loại tà lét này dành cho cánh đàn ông mang; cái "rê" cao khoảng 25cm, đan kín, người phụ nữ đeo vào trước bụng, khi thu hoạch lúa rẫy, dùng hai tay trút lúa bỏ vào rê; cái "chuy" có bề ngang khoảng 12 cm, cao khoảng 20cm, đan kín.
Khi tỉa lúa trên rẫy, người phụ nữ đeo cái chuy ở bên hông, trong chuy đựng lúa, bắp... giống để lấy ra tỉa; cái "khách tà mòi" là một loại gùi nhỏ, rất độc đáo, mỹ thuật được đan rất công phu, tỉ mỉ, có cái được đan - trang trí những hoa văn mang hình tượng truyền thống của người Cơ Tu.
Loại gùi dành riêng cho phụ nữ chuyên mang quà như rượu, thuốc, trà... đi biếu anh em, cha mẹ, sui gia..., hay các cô sơn nữ Cơ Tu mang trong múa điệu "tung tung dá dá " trong lễ đâm trâu, lễ ăn cơm mới…
“Thời gian để hoàn thành một sản phẩm, tuỳ theo từng loại gùi to, nhỏ, đẹp... Một cái gùi đan công phu, bằng các loại mây chắc bền có thể sử dụng khoảng nửa đời người (30 năm). Khi không dùng, gùi được treo trên giàn bếp, vì thế những vật dụng này có màu cánh kiến, rất bền vì không mối một hay bị ẩm mốc...”- Nghệ nhân Alăng Đíh cho biết thêm.