Dân Việt

Nhìn từ bất cập trong triển khai dự án ở Cẩm Điền

Thắng Quang (ghi) 21/07/2015 08:57 GMT+7
Sự việc ở Cẩm Điền (Hải Dương) là hết sức đáng tiếc. Nhiều luật sư cho rằng, nguyên nhân do bất cập từ những người trực tiếp thực hiện chính sách về đất đai... Còn với người dân, cũng không thể có đặc cách cho một cá nhân, hay nhóm người cá biệt.

img

Người dân xã Cẩm Điền chăng cờ phản đối việc đền bù đất không thỏa đáng. (Ảnh: Trần Quang)

Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty luật hợp danh Thiên Thanh: Bất cập từ người thực hiện luật

img

Luật sư Trần Tuấn Anh

Sự việc ở Cẩm Điền là hết sức đáng tiếc. Trong thực tiễn hành nghề, tôi cho rằng bất cập chính là ở những con người thực hiện chính sách về đất đai, mà cụ thể là các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và ngay cả bản thân người dân - những người bị thu hồi đất.

Đối với chính quyền, đành rằng vấn đề đất đai luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng không nên "trốn tránh" trước những yêu cầu về thông tin và giải quyết khiếu nại của người dân. Khi phê duyệt một dự án thiếu tính khả thi, giao đất cho một doanh nghiệp kém năng lực, dẫn đến đất thu hồi bị bỏ hoang, lãng phí... thì phải biết nhìn thẳng vào sự thật, phải tổ chức họp bàn để tìm biện pháp khắc phục để các bên trong quan hệ đều thấy có sự cầu thị và cùng khắc phục. Khi người dân có thắc mắc, khiếu nại thì phải biết giải thích, giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý từng vấn đề một. Tránh dùng quyền lực Nhà nước để áp đặt suy nghĩ và hành động lên người dân.

Còn đối với người dân, cũng biết là "tấc đất, tấc vàng", là "bờ xôi, ruộng mật" , song việc phê duyệt và xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp là chiến lược phát triển đất nước trong những giai đoạn nhất định, nhằm phục vụ mục đích chung của toàn xã hội. Chính sách pháp luật về đất đai thì đã rõ ràng, minh bạch, chúng ta không thể đòi hỏi đặc cách cho cá nhân hay một nhóm người cá biệt. Trong trường hợp có thắc mắc, không đồng ý với quyết định thu hồi đất hay mức bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thì chúng ta có thể làm đơn khiếu nại đến các cơ quan quản lý đất đai để đề nghị giải quyết hoặc khởi kiện các quyết định nêu trên ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Riêng đối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất thì nên phối hợp với chính quyền để vận động người dân, không nên bất chấp cả tính mạng, sức khỏe của người dân và sinh mạng pháp lý của mình để thu hồi đất bằng mọi cách. Bởi doanh nghiệp muốn phát triển được thì một phần cũng cần đến sự ủng hộ của người dân tại địa phương.

Luật sư Lê Hồng Huấn – Văn phòng luật sư Doanh Gia: Đừng đẩy người dân đến bờ vực

img

Luật sư Lê Hồng Huấn

Chúng ta thấy rằng Luật Đất đai đã liên tiếp được chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc điểm xã hội mới, mà gần đây nhất là Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ 1.7.2014. Xét riêng   về phần thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có những điểm mới tích cực, có thể phân biệt thành 4 nhóm khi thu hồi mà có những quy định điều chỉnh phù hợp:

Nhóm 1: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61); Nhóm 2: Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62); Nhóm 3: Thu hồi đất do vi phạm pháp luật (Điều 64); Nhóm 4: Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 65).

Việc quy định tương đối cụ thể thành 4 nhóm như trên phần nào đã khắc phục được việc sai sót trong quá trình thu hồi đất trước đây. Vụ việc ở Cẩm Điền (Hải Dương) đã tồn tại từ trước khi có Luật Đất đai 2013 mà áp dụng Luật Đất đai 2003 để điều chỉnh. Do vậy, có thể nguyên nhân của vụ việc này là do con người áp dụng sai nên dẫn tới bất cập.

Vấn đề đặt ra lớn nhất ở đây có thể không nằm ở quy định của pháp luật mà chính là ở việc vận dụng quy định pháp luật khi thu hồi đất thực hiện dự án khu công nghiệp (nằm trong nhóm 2 khi thu hồi). Chính quyền địa phương, người có thẩm quyền giải quyết đã thực hiện đúng quy định pháp luật chưa? Đã thực hiện việc vận động, giải thích pháp luật đến người dân một cách triệt để hay chưa? Việc sử dụng các công cụ sức mạnh khi thu hồi có thật sự phù hợp? Vụ việc như vậy phải có thanh tra vào kiểm tra, đánh giá mới có một cơ sở đầy đủ để kết luận về vụ việc một cách thực sự khách quan.

Đất đai chính là tư liệu sản xuất rất quan trọng đối với người dân, có thể hiểu nôm na nó như nguồn nước và không khí vậy. Do đó khi Nhà nước thu hồi đất của dân cần phải tính đến các điều kiện để người dân tiếp tục sinh sống và tồn tại, nếu không giải quyết một cách triệt để thì có thể coi như việc đẩy người dân đến bên bờ vực sau khi đã thu hồi đất của họ vậy.