Nối nghiệp cháo lòng từ gia đình
Vương Văn Toàn sinh năm 1992, là con trai út trong gia đình. Tốt nghiệp loại khá hệ trung cấp trường Cao đẳng y tế Hà Đông, Toàn cố gắng xoay xở nhưng không xin được việc. Chàng trai 9x quyết định cất đi tấm bằng, lập nghiệp bằng nghề bán chào lòng ngay trên mảnh đất gia đình.
Chàng trai 9x, quyết định bỏ bằng y để lập nghiệp từ quán cháo lòng
Toàn chia sẻ: “Mình vốn dĩ thích mở cửa hàng ăn uống từ nhỏ. Nhưng khi học xong cấp 3 bố mẹ lại định hướng cho mình học y để có cái nghề ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, khi ra trường công việc không như mong muốn, mình quyết định theo nghiệp bán cháo lòng và xin bố mẹ cho mở riêng một quán. Tới nay, mình đã bán được 1 năm rồi và thích thú với công việc này”.
Hiện quán cháo lòng mà Toàn đang làm chủ vẫn là quán từ trước của gia đình. Sau khi giao quán cho Toàn tiếp quản, bố mẹ anh đã mở quán ở địa điểm khác. Mọi công việc ở quán đều do 1 mình Toàn tự quản lý.
Nhớ lại ngày đầu làm ông chủ, Toàn cho hay, mặc dù cơ sở vật chất đã được bố mẹ đầu tư sẵn, cách phục vụ, công thức nấu Toàn đã nắm hết trong đầu, nhưng đến khi tự mình làm chủ giao thớt, Toàn vẫn không tránh khỏi lo lắng.
“Thời gian đầu, một mình đảm đương công việc, mình đã rất lo lắng. Mình chỉ lo nhìn mặt đầu bếp “non choẹt” thế này, liệu khách hàng có tin tưởng mà đến ăn. Nhưng rồi mình nghĩ, chỉ cần chăm chỉ học hỏi thì chắc chắn sẽ có những khách hàng ruột. Mỗi lần khách ra về, mình luôn hỏi: “Hôm nay bác ăn thấy vừa miệng không, có gì không hài lòng xin bác cứ góp ý để cháu rút kinh nghiệm”, ông chủ quan cháo lòng cười nói.
Toàn chia sẻ, phải mất một tuần, quán chào lòng của anh mới đi vào hoạt động thông suốt. Hiện công việc này cho Toàn thu nhập khoảng 10 triệu/tháng. “Số tiền đó tuy chưa cao nhưng nó cũng giúp mình có thể tự lập”, Toàn chia sẻ.
Một mình Toàn đảm đương tất cả các công việc ở quán
Kể từ ngày Toàn làm chủ quán ăn đến nay, quán chưa từng rơi vào tình trạng “ế”. Đặc biệt ngoài khách cũ của gia đình, rất nhiều vị khách mới khác cũng tìm đến quán để thử tài nấu ăn của đầu bếp nhỏ tuổi. Dần dần, Toàn lại có thêm được một lượng khách quen khác.
Anh Văn Thêm, một khách hàng ăn ở quán cho biết: “Tôi rất hay đến quán này ăn, không chỉ cháo lòng ngon mà chủ quán cũng rất hài hước. Cậu ta cũng khá trắng trẻo, đẹp trai nên chúng tôi hay gọi đùa là “hot bot cháo lòng”.
Cuộc sống thay đổi từ quán cháo lòng
Từ ngày trở thành ông chủ nhỏ của quán cháo lòng, cuộc sống của Toàn có khá nhiều thay đổi. Trước đây, cậu chưa từng biết thế nào là đi chợ, rửa bát nhưng bây giờ những công việc đó cậu đã rõ như lòng bàn tay.
Trước khi trở thành chủ quán ăn, Toàn chưa từng phải lo lắng gì cho cuộc sống, mọi thứ đều được bố mẹ sắp xếp chu toàn. Khi bắt đầu tự lập, quản lý một quán ăn riêng, một mình Toàn phải đảm đương tất cả các công việc từ đi chợ, làm đầu bếp cho đến phục vụ, rửa bát.
“Một mình tự biên tự diễn như vậy đôi khi cũng rất mệt, nhưng lại nghĩ đây là bước khởi đầu, nếu làm tốt sau này mình có thể thuê thêm nhân viên, mở rộng quán ăn, việc kinh doanh sẽ cho nhiều lợi nhuận hơn. Cứ nghĩ như vậy mình lại thấy vững tin hơn vào công việc hiện tại”, Toàn chia sẻ.
Luôn phục vụ niềm nở với khách, Toàn được mọi người gọi là “hot boy cháo lòng"
Công việc hàng ngày của “hot boy cháo lòng" bắt đầu từ 4h sáng bằng việc đi lấy lòng ở chợ, chuẩn bị nước dùng ninh cháo. Trong quá trình ninh cháo, anh nhặt rau, quét dọn quán, ra đũa từng bàn. 6h có khách đến ăn, anh vừa là đầu bếp kiêm phục vụ quán.
10h sáng hết khách, anh dọn dẹp quán, rửa bát và nấu cơm trưa cho mình. 3h chiều dậy ninh nước dùng rồi đi chợ mua rau để phục vụ cho ngày mai. Công việc của ông chủ quán cháo lòng cứ diễn ra đều đều như vậy nhưng chưa bao giờ Toàn thấy nhàm chán.
“Ngày cuối tuần, quán đông khách một mình chạy như “chong chóng”, có lúc ốm mình cũng không dám nghỉ, vì nghỉ 1, 2 hôm là mất khách ngay. Mình càng trẻ thì phải thể hiện trách nhiệm với công việc, nếu không họ nghĩ, thanh niên chơi nhiều hơn làm, khách mất tin tưởng”, ông chủ cháo lòng vui vẻ chia sẻ.