Để làm rõ hơn thông tin này, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT.
Ông Công cho biết, ngay sau khi đọc được thông tin trên NTNN, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản đề nghị Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang báo cáo vụ việc.
Như báo NTNN đã phản ánh, trong nhiều năm nay Tuyên Quang luôn dẫn đầu cả nước về diện tích trồng rừng mới và độ che phủ rừng. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều diện tích rừng sau khi trồng không phát triển được, thậm chí chết, không chỉ vậy một số nơi còn lợi dụng việc trồng rừng để phá rừng lấy gỗ. Tổng cục có nắm được thực trạng này?
Những mảng đồi trọc dọc bên sông Năng, trong khu vực lòng hồ Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang). (Ảnh: Mạc li)
- Tôi cũng vừa mới đọc báo NTNN và đã nắm được thông tin này. Còn về chính thức, hiện tôi chưa nhận được bất cứ báo cáo của địa phương về việc phá rừng đặc dụng, phòng hộ để trồng rừng mới cả. Nếu đúng như báo nêu ở Tuyên Quang, thì với bất cứ lý do gì, nếu họ tự ý khai thác rừng mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đều sai. Tuy nhiên, muốn biết họ có làm đúng không, chúng tôi phải kiểm tra mới có câu trả lời chính xác được. Cụ thể, phải kiểm tra xem đây là dự án gì, trước và sau khi trồng rừng, khu vực này là gì.
Việc trồng mới đã được quy định rất rõ, chỉ được trồng ở những nơi không có rừng, trong trường hợp cải tạo rừng mới thì chỉ được phép chặt rừng nghèo kiệt, kém chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ NNPTNT quy định. Tuy nhiên, trong quá trình phát thực bì, nếu rừng chỉ có một số cây gỗ tạp, thì được phép phát đi để trồng mới. Trong năm nay, tôi được biết không có địa phương nào thực hiện việc cải tạo rừng.
Như ông nói, trong trường hợp cải tạo rừng mới chỉ được chặt rừng nghèo kiệt, nhưng việc này đã từng bị lợi dụng phá rừng ở một số địa phương?
- Trước đó, ở Đăk Lăk và Lâm Đồng cũng đã xảy ra tình trạng một số dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, do đó diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Song chúng tôi đã kịp thời kiểm tra, báo cáo và Chính phủ cũng đã yêu cầu dừng các dự án này.
Riêng ở Tuyên Quang, sau khi đọc báo NTNN, tôi đã gọi điện cho Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang kiểm tra và Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh này kiểm tra và có báo cáo cụ thể về thực trạng báo nêu.
Ở Tuyên Quang đã xảy ra tình trạng trên cùng một diện tích rừng được trồng đi trồng lại do chết, nhưng vẫn được báo cáo là trồng mới, nên luôn đạt độ che phủ cao. Như thế nào mới được gọi là “độ che phủ”?
"Công tác trồng và phát triển rừng của chúng ta những năm gần đây đang phát triển rất tốt, điều này đã được thế giới công nhận và khen ngợi. Tuy nhiên cũng khó tránh khỏi một số diện tích rừng trồng kém phát triển, một phần do cây trồng chưa hợp lý, một phần do mức hỗ trợ thấp (15 triệu đồng/ha, trong đó rừng sản xuất 50 - 60 triệu đồng/ha)”.
|
- Thông tư số 34 ngày 10.6.2009 của Bộ NNPTNT quy định rất rõ thế nào là rừng và độ che phủ rừng. Rừng phải đảm bảo 3 yếu tố sau: Phải có hệ sinh thái, có cây gỗ là chủ yếu, độ cao của cây trên 5m, hoặc tre nứa; độ tán che (mức độ che phủ của tán cây rừng) phải đạt mức từ 0,1 trở lên; phải liền vùng, liền khoảnh từ 0,5ha trở lên hoặc một dải dài 20m trở lên.
Tại kỳ họp Quốc hội gần đây, một số ý kiến nghi ngờ về độ che phủ thực tế của rừng theo báo cáo của các địa phương, bởi thực tế, số rừng được trồng mới phát triển rất kém, thậm chí biến thành đồi trọc...
- Hiện cả nước có khoảng 16,24 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm cả nước trồng mới khoảng 220.000ha rừng. Trong kế hoạch 2016 – 2020, cả nước sẽ trồng mới khoảng 1,025 triệu ha rừng, trong đó rừng sản xuất là 900.000ha (trồng lại 450.000ha và trồng mới 450.000ha); 75.000ha rừng đặc dụng và phòng hộ; 50.000ha rừng thay thế. Tất cả các địa phương muốn trồng rừng phải có kế hoạch và chỉ được trồng ở những vùng đã quy hoạch, còn cả nước dù trồng rừng có phát triển thế nào đi chăng nữa cũng chỉ nằm trong 16,24 triệu ha mà thôi.
Hàng năm, Tổng cục có cho kiểm tra, giám sát việc trồng rừng tại các địa phương không?
- Chúng tôi chỉ quản lý về mặt nhà nước, nếu các địa phương nào gặp khó khăn thì báo cáo đề nghị, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết. Còn việc quản lý, nghiệm thu rừng trồng hàng năm do các địa phương thực hiện, với quy trình rất chặt chẽ có sự tham gia của nhiều ban ngành.
Theo báo cáo của các địa phương, nơi nào cũng cho biết tỷ lệ che phủ rừng cao, diện tích trồng mới tăng. Những con số này liệu có thể tin cậy?
- Tôi nghĩ, các địa phương họ sẽ báo cáo trung thực, có lẽ nào họ chỉ trồng được 50ha, mà cáo cáo trồng được 60ha. Về chất lượng rừng, đối với rừng sản xuất có lẽ không vấn đề gì, vì nó liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Đối với trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, cũng có thể chất lượng chưa đảm bảo, bởi kinh phí hỗ trợ thấp, hơn nữa đa số trồng ở những địa bàn khó khăn, dẫn đến cây kém phát triển.
Xin cảm ơn ông!