Dân Việt

Hãy để trẻ quen va vấp, tự đứng lên

Lưu Trinh (Tiền Phong) 23/07/2015 11:03 GMT+7
Xã hội càng hiện đại, tốc độ lớn lên của trẻ về mặt thể chất càng nhanh, tuy nhiên tốc độ trưởng thành về mặt tâm lý có thể không theo kịp.

“Gia cố” cho giới trẻ từ nhỏ

Theo TS Khắc Hiếu, xã hội không đứng yên mà ngày càng phức tạp, càng nhiều cám dỗ. Do đó, nếu nhân cách thiếu trưởng thành, để thích nghi với sự phức tạp của xã hội, sẽ khiến nhiều người trẻ dễ sa ngã và hành động nông nổi hơn.

Song song đó, khi xã hội ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố gây nhiễu cho sự phát triển nhân cách trẻ thì bù lại việc giáo dục đạo đức và hướng dẫn kỹ năng sống phải đi trước và thật sự tác động mạnh mẽ để con người trụ vững trước nguy cơ lệch lạc giá trị và hành vi.

“Giống như bão càng to thì gia cố nhà phải làm thật chắc. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức ngày nay hiệu quả thế nào, tất cả chúng ta đều biết rõ. Còn mảng giáo dục kỹ năng sống chủ yếu dừng lại ở mức dư luận hoặc manh mún tự phát, thật sự chưa trở thành xương sống cho sự phát triển lành mạnh và vững chắc cho giới trẻ”, TS Khắc Hiếu nói.

img

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Ngoài ra, theo TS Khắc Hiếu, việc đầy đủ vật chất hơn trước khiến nhu cầu thỏa mãn của người trẻ ngày nay cao hơn rất nhiều so với cách đây vài chục năm. Giống như khi đi bộ thì thèm có chiếc xe đạp, khi có xe đạp thì lại muốn có xe máy. Xe máy phổ biến thì muốn có xe hơi, xe hơi đã có thì sẽ muốn có chuyên cơ.

“Nhu cầu vật chất càng cao, trong khi hoàn cảnh không đáp ứng đủ, tất nhiên sẽ nảy sinh hành vi để thỏa mãn. Nếu người có đạo đức và được giáo dục tốt, hành vi của họ sẽ là phấn đấu để vươn lên giàu có, no đủ. Nếu thiếu đạo đức, người ta sẽ đi tắt bằng cách phạm tội để thỏa mãn nhu cầu mình”, TS Khắc Hiếu nói.

TS Khắc Hiếu cho rằng, thế hệ 9x hiện vào thời điểm xã hội thay đổi mạnh mẽ, chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa để du nhập nhiều luồng văn hóa, nên 9X là thế hệ chịu nhiều thử thách nhất về bản lĩnh đạo đức. Vì thế, từ nhà quản lý xã hội cho đến nhà trường và gia đình đều phải “gia cố” giới trẻ ngay từ lúc nhỏ, để khi lớn lên trẻ sẽ tự “đề kháng” với cuộc đời.

Cùng với đó, hãy tập cho trẻ được thất bại, làm quen với lời từ chối, được va vấp trong đời và tập tự đứng lên trên chính sức của mình từ lúc nhỏ. Thì sau này con cái chúng ta sẽ là một cây to vững vàng, cứng cáp trước những cơn gió ngược của cuộc đời.

Bởi bản lĩnh sẽ trưởng thành trong bão táp. Nếu bạn trẻ gặp khủng hoảng tinh thần, thì hãy luôn tâm niệm: Khi tất cả những thứ khác đã mất, thì tương lai vẫn còn.

img

  Trẻ nhỏ cần phải được giáo dục toàn diện ngay từ nhỏ.Trong ảnh học sinh đang học kỹ năng về an toàn giao thông.

Tránh lối sống thực dụng

Một điều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng hiện nay đó là một số tội phạm nguy hiểm lại là những thanh niên trẻ tuổi. Qua các sự việc nghiêm trọng vừa qua, các bậc phụ huynh có con, cháu trong độ tuổi thanh thiếu niên lo lắng.

Nhưng tìm hiểu nguyên căn sâu xa của các sự việc và nguyên dân dẫn đến các sự việc của các nghi can thấy rằng, đều có những lý do, xoay quanh hai vấn đề cốt lõi tình - tiền. Đó là sự tác động mạnh mẽ của lối sống hưởng thụ, thực dụng.

Nghi can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước là một ví dụ điển hình. Chỉ vì thất tình, không đạt được mục đích cưới được con gái đại gia để hưởng thụ phần nào khối tài sản khổng lồ mà nhẫn tâm phạm tội.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu gia đình bạn gái của Nguyễn Hải Dương chỉ là một gia đình bình thường, không có cơ ngơi, số tài sản như vậy thì liệu kẻ sát nhân có tàn ác như thế không? Liệu có phải vì tình cảm, tình yêu, nặng nghĩa, nặng tình thật hay chỉ vì…tiền?

Lối sống thực dụng, hưởng thụ đã và đang làm xói mòn phẩm chất, đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên lười học tập, lao động nhưng muốn hưởng thụ, đặt lợi ích kinh tế lên trên hết.

Cần phải đấu tranh loại bỏ những tư tưởng không làm mà có, lao động ít nhưng được hưởng thành quả nhiều. Người làm cha, làm mẹ không nên tập cho con lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, lười lao động ngay từ nhỏ.