Dân Việt

Nhiều lô hàng phân bón đắp chiếu

Đình Thắng 24/07/2015 08:10 GMT+7
Không chỉ doanh nghiệp (DN) phía Nam, các DN sản xuất phân bón ở phía Bắc cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm bởi sự rối ren, bất cập của Nghị định 202 cũng như Thông tư 29 về quản lý phân bón.

Theo lãnh đạo của một DN sản xuất phân bón uy tín, có trụ sở tại Hà Nội  thì trong quá trình thực hiện Nghị định 202 đã xảy ra những bất cập gây ảnh hưởng tới việc sản xuất tiêu thụ phân bón của DN. Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký quy chuẩn cơ sở của DN khi Thông tư 29 có hiệu lực (27.11.2014).

Từ đó đến nay đã gần 7 tháng trôi qua nhưng hồ sơ vẫn đang được Sở Công Thương Hà Nội “ngâm cứu” để xem xét. Vấn đề bất cập thứ hai, Bộ Công Thương chưa tính đến lộ trình thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón NPK cho các DN, bởi trước, trong và sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, DN vẫn phải sản xuất và dự trữ hàng hóa. Chẳng hạn như DN của ông, có hàng trăm ngàn tấn phân bón đang được dự trữ trong kho, cùng với trên 10 tỷ đồng tiền bao bì chuẩn bị cho sản xuất và số hàng hóa đang lưu thông trên thị trường hiện chưa đóng dấu công bố hợp quy.

img

Do không có lộ trình thực hiện công bố quy chuẩn nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.     Ảnh tư liệu

“Trong bối cảnh Sở Công Thương Hà Nội vẫn miệt mài xem xét hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở cho DN trong 7 tháng qua vẫn chưa xong thì lực lượng quản lý thị trường đã đi kiểm tra và xử phạt các lô hàng không có dấu hợp quy của các DN” – vị lãnh đạo này cho hay.

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty: “Trong những ngày qua chúng tôi nhận được điện thoại của Sở Công Thương cũng như lực lượng quản lý thị trường ở rất nhiều tỉnh như: Tuyên Quang, Thái Bình, Yên Bái, Lào Cai… họ gọi chúng tôi lên để xử lý số hàng hóa không có dấu hợp quy. Nhiều đại lý cấp 1, cấp 2 ở các tỉnh đó bị xử phạt rất nhiều. Thực tế DN đang bị mắc kẹt bởi sự không đồng bộ của Nghị định 202 cũng như Thông tư 29. Các bộ ban ngành liên quan cần phải đưa ra mốc thời gian, lộ trình để DN thực hiện”.

Chia sẻ về những bất cập trong quy định công bố hợp quy cho sản phẩm phân bón NPK, ông Phùng Quang Hiệp - Ủy viên HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam cho rằng: “Có rất nhiều DN sản xuất phân bón vướng phải vấn đề này. Phân bón NPK có rất nhiều dòng sản phẩm, hiện nay chúng tôi đang cung cấp xấp xỉ 300 sản phẩm NPK. Ngày Thông tư 29 có hiệu lực cũng là ngày chúng tôi phải thay đổi thông tin trên bao bì, phải có dấu hợp quy, nếu không thì sẽ bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt. Mỗi lần phạt là phải mất từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chứ không ít”.

Cũng theo chia sẻ của ông Hiệp, trong cuộc họp giao ban thường kỳ quý 2, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đã thống nhất gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương gia hạn công bố hợp quy và đóng dấu hợp quy cho DN đến tháng 6.2016 để giải quyết những khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón NPK. Còn ông Vũ Xuân Hồng cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy chuẩn quốc gia để tao thuận lợi cho DN ổn định sản xuất.  

"  Hiện nay số hàng dự trữ trong kho của chúng tôi đang rất lớn, lên tới hàng trăm ngàn tấn. Các sản phẩm này sản xuất trước thời điểm Thông tư 29 ra đời nên không có dấu hợp quy, đó là chưa kể lượng hàng đang lưu hành trên thị trường cũng tương tự như thế”.

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao