Ngày 23.7, các nhà khoa học NASA tuyên bố họ đã tìm ra được hành tinh giống với Trái đất nhất từ trước tới nay. Hành tinh mang tên Kepler-425b này nằm cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng và có quỹ đạo giống đến kinh ngạc với Trái đất.
Hành tinh Kepler-425b quay quanh ngôi sao trung tâm của nó ở khoảng cách tương đương như Trái đất quay quanh Mặt trời, điều này đồng nghĩa với việc Kepler-425b nằm trong “vùng sự sống” của ngôi sao trên. “Vùng sự sống” là khoảng cách đủ an toàn để sự sống có thể xuất hiện và phát triển trên hành tinh này, bởi nó không quá gần ngôi sao khiến nhiệt độ tăng quá cao và làm bốc hơi hết nước, cũng không quá xa khiến nhiệt độ lạnh đến mức không sự sống nào tồn tại nổi.
Kepler-425b có những điều kiện thuận lợi cho sự sống tồn tại
Ông John Grunsfeld, người đứng đầu bộ phận Sứ mệnh Khoa học của NASA tuyên bố: “Kính thiên văn Kepler vừa phát hiện một hành tinh và một ngôi sao rất giống với Trái đất và Mặt trời của chúng ta. Kết quả đầy khích lệ này giúp chúng ta tiến gần hơn một bước tới việc tìm tra Trái đất 2.0”.
Được biết ngôi sao mà Kepler-425b quay quanh có nhiệt độ giống như Mặt trời của chúng ta. Mỗi vòng quay của Kepler-425b quanh ngôi sao này mất 385 ngày, lâu hơn Trái đất một chút. Tuy nhiên, nó vẫn là hành tinh giống với Trái đất nhất mà các nhà thiên văn học từng phát hiện ra từ trước tới nay.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học NASA nhận định rằng Kepler-425b có tuổi đời khoảng 6 tỉ năm, cao hơn nhiều so với Trái đất. Ông Jon Jenkins, người phụ trách công bố phát hiện của NASA nhấn mạnh: “Đây là cơ hội rất lớn để sự sống phát triển trên hành tinh này, nếu mọi điều kiện và thành phần cần thiết cho sự sống nảy nở tồn tại trên đó”.
Kể từ khi phát hiện ra một hành tinh lớn quay quanh ngôi sao 51 Pegasi bên ngoài Thái Dương Hệ vào năm 1995, các nhà khoa học đã miệt mài tìm kiếm và phát hiện hơn 1.000 hành tinh khác cũng quay quanh một ngôi sao như Trái đất chúng ta, nhưng chưa từng tìm thấy dấu hiệu sự sống trên các hành tinh này.
Hành tinh này có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với Trái đất
Cách đây 6 năm, NASA đã phóng thành công kính thiên văn vũ trụ Kepler để khảo sát dải Thiên Hà để tìm kiếm những “bản sao” của Trái Đất. Kính thiên văn Kepler chia bầu trời thành nhiều khu vực khác nhau và liên tục quan sát, tìm kiếm các ngôi sao rồi gửi dữ liệu về Trái đất.
Các dữ liệu này sau đó được chuyên gia NASA phân tích để tìm kiếm những hành tinh quay quanh các ngôi sao này. Khi xác định được vật thể bay quanh ngôi sao đó chính xác là hành tinh, các nhà khoa học sẽ tính toán kích thước, hình dạng quỹ đạo, khoảng cách đến ngôi sao của nó, và đưa ra những phỏng đoán về thành phần cấu tạo của hành tinh.
Ngoài 1.000 hành tinh ngoài Thái Dương Hệ đã được xác nhận, hiện kính thiên văn Kepler đã thu thập được dữ liệu về 3.000 ứng cử viên hành tinh khác cần được xác minh.
Đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của thiên hà chúng ta, bên ngoài thiên hà còn vô số những hành tinh xa xôi khác mà các nhà khoa học chưa thể quan sát được.
Mặc dù cùng nằm trong một thiên hà, tuy nhiên khoảng cách từ Trái đất tới những hành tinh này cũng rất xa so với khả năng của con người. Chẳng hạn, hành tinh Kepler 438b nằm cách Trái đất 475 năm ánh sáng, và tàu vũ trụ Pluto phải bay suốt 10 năm với vận tốc 30.000 dặm/giờ mới có thể đến được hành tinh này.