Muốn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả phải bám sát họ ngay từ khâu khảo sát, lập kế hoạch sản xuất, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn”.
Tìm đúng đối tượng cho vayLà tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao nên nhu cầu vốn ưu đãi của nông dân (ND) Sơn La rất lớn. Ông Nguyễn Văn Khiển - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Chủ yếu người dân Sơn La sống bằng nông nghiệp và đang trong thời kỳ bứt phá vươn lên, học hỏi những kinh nghiệm, cách làm ăn mới nên nhu cầu về vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi rất lớn.
Qua tổng hợp nhu cầu vốn của bà con từ các chi hội bản, tiểu khu trong tỉnh cho thấy, nhu cầu vay vốn ngày càng tăng, đối tượng vay vốn và loại hình đầu tư càng phong phú. Hội luôn phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức khảo sát, nắm bắt thực tiễn nhu cầu và đôn đốc kiểm tra sử dụng vốn, trả nợ lãi và gốc. Nhờ vậy, bà con sử dụng vốn hiệu quả hơn, làm ra nhiều lợi nhuận hơn.
Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, nông dân Quỳnh Nhai đầu tư chăn nuôi gia súc.
Ông Nguyễn Văn Bộ - nguyên Chủ tịch Hội ND xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, nhận xét: Quy trình vay vốn Ngân hàng CSXH được thực hiện khá chặt chẽ ngay từ cơ sở nên đã hạn chế được nguy cơ rủi ro trong sử dụng vốn. Cấp uỷ, chính quyền ở tổ, bản, tiểu khu có sự hỗ trợ của cán bộ Ngân hàng CSXH và các đoàn thể thành viên là nơi tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, bình xét tiêu chí hộ được vay vốn và hướng dẫn, kiểm tra đối tượng vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Vì thế hầu như không có tiêu cực trong chuyện vay vốn.
Người được vay vốn cũng biết ăn biết lo hơn với đồng tiền được vay, tránh tư tưởng ỷ lại trước đây theo kiểu “tiền nhà nước cho”, làm lãi thì ăn, lỗ cũng chẳng lo trả nợ. Danh sách các hộ được vay vốn Ngân hàng CSXH niêm yết công khai ngay tại trụ sở UBND xã nên rất tiện cho việc theo dõi công nợ và giám sát của người dân.
Nguồn lực quan trọng của “tam nông”
"Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã đóng góp rất lớn vào phát triển “tam nông” của địa phương. Những năm qua, hàng ngàn hộ nghèo, hộ chính sách trong huyện đã được hưởng lợi từ vốn ưu đãi”.
Ông Nguyễn Hoài Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai
|
Đến với bà con bản Hé, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, anh Điêu Chính Hưng - Trưởng bản cho biết: Được Ngân hàng CSXH cho vay với mức vài chục triệu đồng/hộ, nhưng bà con hộ nghèo ở đây đã mua lợn nái, gà, dê, cá giống, cặp trâu, bò... về nuôi.
Bà con rất phấn khởi vì lãi suất thấp, lại được vay cho cả đối tượng là sinh viên, học sinh, hộ cận nghèo. Việc giám sát sử dụng đồng vốn vay của cán bộ hội ND, Ngân hàng CSXH không chỉ đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng mà còn giúp hộ được vay phương pháp tốt nhất trong sử dụng vốn, biết hạch toán trong sản xuất...
Ông Nguyễn Hoài Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho hay: Cán bộ Ngân hàng CSXH thường xuyên có mặt ở cơ sở để đôn đốc, kiểm tra. Bản Phiêng Mựt, xã Mường Giôn là một trong những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất trong huyện nhưng luôn có sự hiện diện, sâu sát của cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH. Với Quỳnh Nhai, nguồn vốn Ngân hàng CSXH là nguồn lực rất quan trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.