Dân Việt

"Ông trùm" lúa giống kể chuyện lập nghiệp từ mảnh đất khô cằn

Ngọc Hương 23/08/2015 06:15 GMT+7
Cuộc đời người nông dân, ai cũng phải trải qua những tháng năm gian khổ, vất vả, một nắng hai sương “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Với anh Hồ Bá Phiêu, sinh năm 1973 tại khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ lại càng lắm nỗi bôn ba, thăng trầm. Ấy thế mà bây giờ anh đã trở thành một “ông trùm” nhân lúa giống trong vùng.

Không chỉ nhân giống cho mình, anh Phiêu còn vận động thành lập Câu lạc bộ sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận

Lập nghiệp từ mảnh đất khô cằn

Năm 1990, sau khi lập gia đình, với 3.888m2 đất ruộng cha mẹ cho khi ra ở riêng, anh Phiêu đã cố biến những tấc đất khô cằn, nứt nẻ thành những ruộng lúa hàng hóa để nuôi sống gia đình, nhưng vốn gốc con nhà nông nghèo, đông con, không được học hành tới nơi tới chốn, chỉ “thấy người ta làm sao mình làm vậy”, nên dù cực nhọc, vất vả trăm bề mà năng suất đạt được vẫn không cao.

img

Anh Hồ Bá Phiêu giờ đã trở thành chủ của một kho lúa giống lớn của TP. Cần Thơ

Sau nhiều đêm thao thức, trăn trở, nghĩ suy tìm cách tháo gỡ, thấy cách làm ăn cá thể không phù hợp nên năm 1998, anh làm đơn xin gia nhập Hội Nông dân phường Trung Kiên, được dự sinh hoạt hàng tháng tại Chi hội Nông dân khu vực Lân Thạnh 2 và được các cấp Hội tạo điều kiện giúp đỡ đưa đi tập huấn các lớp IPM, dự hội thảo chuyển giao KHKT, đi tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả về cách làm lúa giống. Đặc biệt, anh còn được bên khuyến nông cho đi dự lớp FFS tập huấn tại địa phương về kỹ thuật chọn và nhân giống cộng đồng, kỹ thuật canh tác lúa… Sau khi được dự lớp tập huấn đó, anh đã làm thử nghiệm lúa giống cấp xác nhận để chia cho anh em hội viên cùng làm. Như một chú ong cần mẫn, chăm chỉ, “nói đi đôi với làm” và lại hết sức tiết kiệm nên đến năm 2006 thì anh đã mua thêm được 2ha đất để bắt tay vào thực hiện hoài bão của mình.

img

Năm 2008, với sự hỗ trợ của Hội ND phường Trung Kiên, anh vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận. Tham gia CLB này, các thành viên sẽ được cung cấp lúa giống chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm, vì thế ngày càng có nhiều người muốn tham gia CLB. Nếu lúc mới thành lập, CLB chỉ có 15 thành viên và 35ha diện tích sản xuất thì nay số thành viên đã lên đến con số 78 cùng 100ha đất sản xuất. “Thời gian đầu khi mới thành lập, CLB rất khó khăn, không đủ vốn đầu tư ban đầu cho các thành viên nên tôi đứng ra thế chấp 3ha đất cho ngân hàng để vay 150 triệu đồng, nhưng chẳng đâu vào đâu nên đành bấm bụng đi vay “nóng” bên ngoài thêm 400 triệu đồng với lãi suất gấp 3 lần lãi ngân hàng, may sao CLB làm ăn hiệu quả nên chỉ sau 8 tháng đã trả dứt số nợ 550 triệu đồng”- anh Phiêu nhớ lại.

Ông Phùng Văn Thế, thành viên CLB cũng vui vẻ nói: “Vào CLB có lợi như vậy ai mà hổng ham, vừa được hướng dẫn kỹ thuật lại còn được đầu tư giống và cho vay mượn tiền, cuối vụ lại được bao tiêu sản phẩm nữa nên nói đâu xa, ngay gia đình tôi nè, có 1ha đất trồng lúa giống, nhờ tham gia câu lạc bộ sản xuất nên ngày càng ổn định, mỗi năm trừ chi phí xong tôi thu về trên 100 triệu đồng”.

Dang tay giúp đỡ người nghèo

Để giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế gia đình ổn định, anh còn mời Trạm Khuyến nông quận về tận nơi mở hội thảo và hướng dẫn cách cấy lúa một tép, sạ hàng thay cho sạ thưa và áp dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng” và “ 1 phải, 5 giảm”, nhờ đó đã giảm được từ 80 đến 100kg giống/ha, lại dễ phòng ngừa sâu bệnh, giảm chi phí và cho năng suất ngày càng cao…Nếu năm 2012, sản lượng bình quân đạt 182 tấn/12ha, trừ chi phí và công lao động 3 vụ còn lãi được 793 triệu đồng, thì đến năm 2014, sản lượng bình quân đã đạt 189 tấn/12 ha, trừ chi phí và công lao động còn lãi được 856 triệu đồng…

img

Anh Phiêu chia sẻ: “Đối với cấy lúa một tép, trước tiên phải chọn được giống tốt, nền đất phải được làm tương đối bằng phẳng, trải cao su lên rồi dùng bã dừa tro và bùn non trộn đều với nhau dày khoảng từ 7-10cm, sau đó gieo giống, khoảng 6kg trên 10m2. Từ 10 đến 12 ngày sau thì nhổ mạ đem ra ruộng cấy…”.

Theo tính toán của anh Phiêu, chi phí cho mô hình cấy lúa một tép là 280 ngày/công. Thực hiện mô hình này, người nông dân không những giảm được lượng phân bón, mà cây lúa còn khỏe, ít sâu bệnh. Hơn nữa lại cho năng suất cao hơn sạ, thường khoảng 5% số lượng lúa giống phải sử dụng cũng ít hơn (sạ hàng tốn khoảng 120kg/ha, trong khi cấy lúa một tép chỉ tốn khoảng 30kg).

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh luôn chia sẻ khó khăn với bà con nông dân trong và ngoài khu vực bằng cách, mỗi khi đến mùa vụ giúp đỡ bán trả chậm lúa giống không tính lãi, chỉ hoàn vốn sau mùa vụ và đã thu hoạch lúa. Điển hình như hộ ông Út Chát, bà Ba Bông, anh Hồ ở khu vực Lân Thạnh 1, Lân Thạnh 2…bên cạnh đó, giúp hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho những hộ nghèo, những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để giúp mọi người cùng vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế. Ngoài ra, anh còn nhận 10 thanh niên là nông dân nghèo, không có đất canh tác vào lao động với thu nhập từ 3,6- 4 triệu đồng/người/tháng tại kho lúa giống Bá Khem.

Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, anh đã đóng góp tích cực cho các công trình phúc lợi xã hội để xây 20 cây cầu, làm đường giao thông nông thôn trên 10 ngàn mét, ủng hộ 20 triệu đồng để xây nhà tình thương và nhà đại đoàn kết, đóng góp 40 triệu đồng để mua xe từ thiện ở các phường Trung Kiên, Trung Thạnh, Trung Hưng. Hỗ trợ mỗi năm 4 tấn gạo cho 150-200 hộ nghèo…

Với những đóng góp đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, năm 2010  anh Phiêu được nhận giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, năm 2013 nhận danh hiệu Nông dân SXKD giỏi TP. Cần Thơ. Đặc biệt, anh đã được T.Ư Hội ND Việt Nam vinh danh là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc tiêu biểu năm 2014.