Dân Việt

Những chợ nông sản “bất thình lình” chình ình nằm giữa phố

Lê Huyền - từ Mỹ 26/07/2015 06:30 GMT+7
Đang đi trên đường phố Pennsylvania Ave, một con phố trung tâm bậc nhất Washington D.C, chỉ cách Nhà Trắng- nơi Tổng thống Mỹ ở và làm việc chừng 2km, tôi bỗng thấy một biển chỉ dẫn: Chợ nông sản. Và trước mắt tôi, cái chợ hiện ra.

Chợ “bất thình lình”

Nói chợ này “bất thình lình” hiện ra là bởi trước đó khoảng 1 giờ nó không tồn tại, và 3 giờ nữa nó cũng sẽ biến mất. Thông tin trên bản chỉ dẫn cho thấy chợ này chỉ “họp” từ 3 giờ tới 7 giờ chiều mỗi thứ 5 và số lượng các gian hàng cũng không cố định. Bước chân vào chợ, tôi đếm được khoảng 25 gian hàng, bán đủ các loại từ rau hoa quả tới phân bón, cây trồng rồi cả dưa cà mắm muối, thậm chí có cả gian hàng tranh thủ quảng bá sản phẩm là các tấm pin mặt trời có thể lắp ở các trang trại

img

Julie Gray Stinar, Chủ trang trại Evensong- Farm, ở Maryland giới thiệu sản phẩm thịt lợn nuôi thả vườn.

Julie Gray Stinar, Chủ trang trại Evensong- Farm, ở Maryland cho biết đây là chợ Penn Quarter (nằm trên con phố cùng tên) cách trang trại của chị khoảng 100km. Để tới đây bán hàng, chị đi xe hơi khoảng 1 giờ 30phút. Chị tự nhận trang trại của mình là quy mô “nhỏ”, chỉ hơn 10 ha (quy mô trung bình của một trang trại ở Mỹ là 444 ha), trồng các loại cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cherry. Dưới tán cherry, chị nuôi thả gà, lợn và bò. Mô hình chăn nuôi này đang được ưa chuộng ở Mỹ bởi đảm bảo không có các loại thức ăn có hoocmon tăng trưởng.

img

Chị Andrea Fabry- Market Manager (trái) giới thiệu về mô hình công ty.

Tới chợ, chị Julie mang theo khá nhiều món hàng nhưng nhìn quanh quẩn tôi chỉ thấy mấy túi rau thơm. Chị phân bua là các loại thịt mà chị bán thì đều phải đóng gói, bảo quản trong thùng lạnh. Các trang trại ở đây, dù lớn hay nhỏ, đã bán hàng trực tiếp thì đều phải có máy móc chế biến, đóng gói và bảo quản lạnh nên dễ hiểu vì sao cái chợ nông sản có cả thịt thà, dưa muối mà vẫn sạch sẽ và không có cảnh ve vẩy đuổi ruồi

Để đăng ký có một chỗ bán hàng, chị liên hệ qua Công ty Freshfarm Market. Chị chỉ có thể đi bán hàng ngày thứ 5 (còn các ngày khác, chị bán hàng tại một cửa hàng nhỏ của chị ở Maryland) vì thế khi chọn địa điểm, chị chọn điểm nào bán ngày thứ 5 thì đăng ký.

img

Một góc chợ Penn Quarter, rau quả là sản phẩm chủ lực được chủ trang trại vận chuyển bằng xe tải.

Nói về cách thức tham gia các chợ “bất thình lình” này, Julie cho biết có 3 cách để tham gia: một là đóng tiền phí thường niên cho công ty tổ chức, có chợ nào cũng đi được; thứ 2 là đi chợ nào đóng tiền chỗ ngồi chợ đó, phí là 15 tới 20 USD/gian hàng, thứ 3 là đóng phí 6% tổng doanh thu bán được trong buổi chợ. Và chị Julie chọn cách thứ 3. Tôi không thể không thắc mắc chợ này chủ yếu bán hàng lấy tiền mặt, làm thế nào để công ty có thể biết chị bán được bao nhiêu tiền mà lấy % thì chị Julie trả lời giản dị: “Cuối buổi tôi sẽ báo với họ doanh thu tôi bán được, họ tin tôi. Tôi đã bán hàng theo mô hình này cả chục năm và chúng tôi gây dựng lòng tin với nhau”.

Người địa phương bán hàng địa phương

img

Chủ trang trại có cả máy tính tiền, quẹt thẻ ATM tự động.

Công ty Freshfarm Market khá có tiếng ở Washington D.C và các vùng phụ cận vì tổ chức hiệu quả các chợ nông sản, hỗ trợ các chủ trang trại tiêu thụ nông sản của họ ngay trong khu vực họ sinh sống. Chị Andrea Fabry- Market Manager (CSA Manager) cho biết công ty của chị hoạt động phi lợi nhuận, thành lập nhằm mục đích hỗ trợ cả 2 phía, trang trại và người tiêu dùng. Trang trại quảng bá và bán trực tiếp được tới người tiêu dùng Mỹ- vốn đang có xu hướng chuyển dịch sang ăn tươi, ăn đồ nuôi thả, thay vì ăn đồ ăn nhanh và nuôi kiểu công nghiệp.

Cách làm của công ty này là liên hệ với các khu dân cư để có chỗ đặt chợ từng ngày và lên lịch “họp” chợ. Trong tay tôi là lịch họp chợ của năm 2015. Công ty tổ chức các chợ cho chủ trang trại ở 3 vùng Maryland, Virginia và Washington D.C với tổng cộng 12 khu vực có thể họp chợ, và thời gian cũng được lên lịch rõ ràng. Ví dụ như chợ Annapolis ở Maryland họp từ 8 giờ sáng Chủ nhật hàng ngày, chợ Crystal City ở Virginia họp thứ 3 hàng tuần, từ 3giờ tới 7giờ; chợ Foggy Bottom ở Washington thì họp vào thứ 4 hàng tuần, cũng từ 3 tới 7giờ nhưng sẽ không họp cả năm mà chỉ diễn ra trong các ngày thứ 4 hàng tuần từ 1.4 tới 25.11

Nếu so sánh thì Việt Nam có khá nhiều khu chợ nông sản bán đồ tươi sống trong ngày, chỉ có điều nó không xuất hiện giữa phố một cách có tổ chức và thường không do các chủ trang trại trực tiếp bán hàng. Vì thế, tính quảng bá và nhận diện thương hiệu nông sản của các chủ trang trại ở ta còn khá yếu.

Quay trở lại chợ Penn Quarter, Andrea cho biết đây là chợ quy mô nhỏ, trung bình quy mô chợ mà công ty tổ chức thu hút từ 30 tới 50 gian hàng. Nếu vào ngày chủ nhật thì số gian hàng còn nhiều hơn. Phần lớn các chủ trang trại mua bán tiền mặt, nhưng cũng có gian hàng mà người bán mang cả máy tính tiền để quẹt thẻ. Mọi hàng hóa đều bày lên kệ cao, hoa quả chất ngồn ngộn. Công ty có đi kiểm tra các trang trại là thành viên của mình để biết mô hình sản xuất. Sản phẩm bán ở chợ đảm bảo là chỉ bán nông sản địa phương. Nói nôm na là toàn “của nhà trồng được”. Gọi là của nhà làm nhưng nếu đã đóng gói thì tất cả hàng hóa đều có xuất xứ rõ ràng, có ghi tiêu chuẩn, chất lượng đầy đủ. Xét về mặt giá cả thì cũng không rẻ hơn siêu thị, ví dụ như hộp cherry 1 pound (khoảng 450gr) có giá 3,99USD hoặc 4,99USD. Tức là 1kg khoảng 10 USD (tương đương 220.000 đồng), các loại rau, hoa quả khác muốn ăn đủ bữa phải mua chừng 10USD trở lên

Tại thành phố New York, mô hình kiểu chợ “bất thình lình” này cũng phổ biến, do Công ty Grow NYC điều hành. Ông Win Cossaboon- quản lý trang trại Kernan Farm (vùng Bridgeton, New Jesey) lái xe khoảng 3 tiếng (210km) để tới một khu chợ nhỏ nằm ngay gần Union Sq. Ông chia sẻ, các trang trại phải đăng ký và mướn chỗ ngồi để bán hàng. Tôi hỏi ông Win: với giá cả bán bằng hoặc cao hơn giá siêu thị, trong khi siêu thị ở Mỹ – nói không ngoa là cách 3 bước chân có một cái- thì làm sao các chủ trang trại có thể cạnh tranh được?. Trả lời câu hỏi này, ông Win nói bình thản: “Chúng tôi là chỉ bán sản phẩm địa phương, không bán hàng nhập khẩu nên không sợ phải cạnh tranh với các siêu thị lớn. Ưu điểm của các chợ này là nông sản tươi bán trong ngày chứ không phải hàng bảo quản mát, để cả tuần trong siêu thị”.

img

Ông Win Cossaboon- quản lý trang trại Kernan Farm tự hào về các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Cũng theo ông Win, người tiêu dùng Mỹ hiện chuyển xu hướng sang ăn tươi và ủng hộ hàng nội địa vì có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất nhanh và chất lượng sản phẩm được kiểm định tốt. Vì thế, họ ủng hộ các chợ nông sản giữa phố. Và ngược lại, các chủ trang trại cũng “khoái” bán hàng giữa phố vì đó là cách tuyệt vời để họ quảng bá sản phẩm của mình một cách lâu dài, chứ không chỉ bán lẻ vài tấn hàng trong một buổi chợ.

Chàng trai trẻ Grayson Haynes, nhân viên Công ty Solar Solution có trụ sở ở 4700, 14th st. NW Washington cho biết, công ty của anh cũng ký hợp đồng dài hạn với FreshFarm Market để giới thiệu và bán các sản phẩm của công ty. Giá đăng ký chỗ khoảng 1.000USD/năm (chừng hơn 40 buổi). Nói chung, theo Grayson, đây cũng là kênh bán hàng hiệu quả, sau buổi chợ, chủ trang trại có thêm nhiều đơn đặt hàng qua trang web, điện thoại.

img

Grayson Haynes- nhân viên Công ty Solar Solution giới thiệu các sản phẩm của công ty tại các chợ nông sản.