Dân Việt

Đâu là nguyên nhân khiến hoạt động từ thiện... “bùng nổ”?

Minh Nguyệt (ghi) 26/07/2015 14:15 GMT+7
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc cho và nhận từ thiện dễ dàng hơn trước. Chính vì vậy khi bắt gặp một trường hợp bệnh nhân nghèo, một trẻ em lang thang mồ côi… thì ngay lập tức người ta có thể lên mạng xã hội kêu gọi.

Trao đổi  với NTNN về hoạt động từ thiện thời gian qua, luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  cho rằng: Nhà nước cần công khai, minh bạch các đơn vị thực hiện từ thiện; các đoàn thể, thành viên của Mặt trận phải tăng cường giám sát, kiểm soát để giữ được đúng tôn chỉ, mục đích của hoạt động từ thiện.

img

Luật sư Lê Đức Tiết 

Tôi nghĩ rằng các cá nhân làm từ thiện cần trao đổi với đơn vị quản lý người cần hỗ trợ từ thiện trước khi làm. Đơn vị đó có thể là bệnh viện nơi có người bệnh nằm điều trị, UBND phường, xã, ban giám hiệu các trường học… nơi có người cần hỗ trợ làm việc hoặc sinh sống để hỗ trợ cho đúng người, đúng mục đích. Trong trường hợp các cá nhân ủng hộ trực tiếp không thông qua các đơn vị trên thì các tổ chức đoàn thể, cơ quan quản lý tại địa phương cũng cần quan tâm giám sát để người được từ thiện sử dụng đồng tiền được ủng hộ đúng mục đích. Mặt khác, các đơn vị này cũng có thể quản lý và điều phối nguồn tiền, quà từ thiện bằng cách tư vấn cho những người có lòng hảo tâm về việc còn có những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn cần được hỗ trợ để tạo sự công bằng trong chính hoạt động từ thiện.

 Về câu hỏi, đâu là nguyên nhân khiến hoạt động từ thiện cá nhân “bùng nổ” như trong thời gian qua, ông Lê Đức Tiết nói: Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc cho và nhận từ thiện dễ dàng hơn trước. Chính vì vậy khi bắt gặp một trường hợp bệnh nhân nghèo, không có tiền chữa bệnh, một trẻ em lang thang mồ côi… thì ngay lập tức người ta có thể lên mạng xã hội kêu gọi hoặc trực tiếp đến tận nơi để ủng hộ những cá nhân đó.

Tuy nhiên, mặt trái của việc này là khó xác minh một cách chính xác về hoàn cảnh của người được hỗ trợ, cũng như uy tín của người kêu gọi hỗ trợ. Thậm chí, thời gian gần đây đã xuất hiện một vài trường hợp trục lợi từ hoạt động từ thiện. Điều này có thể làm mất niềm tin của một số người vào hoạt động từ thiện. Họ không tin tưởng để giao tiền, quà cho các tổ chức nắm giữ. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, đây chỉ là sự việc “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể quy kết để phủ nhận tính nhân văn của hoạt động từ thiện.