Dân Việt

Bỏ gặt đi dự hội rối

17/06/2011 06:32 GMT+7
(Dân Việt) - Đang giữa vụ gặt nhưng gần 200 nghệ nhân, diễn viên thuộc 15 phường rối của hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ - hầu hết là nông dân chân lấm tay bùn, đã bỏ cả việc đồng áng để tề tựu tại Hải Dương cùng nhau trổ tài.

Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 13 đến 18.6, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp Sở VHTTDL Hải Dương tổ chức đang làm cho không khí của vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc hết sức sôi động.

img
Tiết mục biểu diễn của Phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà, Hải Dương).

Nhọc nhằn giữ “vốn” cha ông

Ông Nguyễn Văn Khơi-Trưởng phường Rối nước Hồng Phong, xã Hồng Phong, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hồ hởi cho biết, cách đây 2 tháng, biết thông tin có Liên hoan Múa rối dân gian được tổ chức ở tỉnh nhà, mọi người ở phường rối vui lắm.

Ở đồng bằng Bắc Bộ này có hơn 20 phường rối, mỗi phường có những trò độc đáo, đặc trưng của riêng phường mình. Ví như Phường Hồng Phong của ông Khơi có “đặc sản” rối dây, những tích trò “Đấu ngựa cưỡi sóc”, “Cắm cờ hội”... Những ngày Tết, lễ hội làng, ngày nông nhàn bà con ở các làng xã vẫn được thưởng thức nghệ thuật truyền thống này, những nghệ sĩ thực thụ của nông dân vẫn nhiệt tình biểu diễn và khán giả cũng nồng nhiệt ủng hộ.

Giá mỗi con trò dao động trong khoảng 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Thi thoảng mới có hội, mỗi buổi diễn, nghệ sĩ, diễn viên được bồi dưỡng 30.000- 35.000 đồng. Không có chính sách hỗ trợ, nên các phường rối càng ngày càng ít người tham gia, bởi so sánh đơn giản với công trả thợ phụ, thợ nề hiện nay đã 80.000- 100.000 đồng/ngày.

Ông Khơi nói, những hôm biểu diễn, quanh thủy đình người dân đến xem chật kín. Sau buổi diễn, bao giờ bà con cũng tìm cho được người của phường rối để hỏi khi nào được xem lại…

Hai năm trở lại đây, nhờ “tầm nhìn” rộng của vị Trưởng phường, Rối nước Hồng Phong được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Đó là việc ông Khơi thiết kế một tour du lịch mang đậm nét dân dã: Thăm đảo Cò-đền Khúc Thừa Dụ - xem Rối nước Hồng Phong - làm bánh… Ông Khơi nói, hiện nay tour du lịch này đã đưa khách đi thẳng từ Hà Nội xuống, mùa đông có tháng “tiếp” đến 30 tour khách, mùa hè nắng nóng thì ít hơn, 10-15 tour.

Cũng như Phường rối Hồng Phong, hiện nay có hai phường khác là Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) và Phường rối cạn Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có thiết kế các tour du lịch kèm biểu diễn múa rối để đón khách quốc tế.

Dù không được nhộn nhịp đón khách như các phường rối kể trên, nhưng gần 20 các phường rối khác đang hiện hữu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như: Rối nước làng Ra, rối Chàng Sơn, Thạch Xá (Hà Nội); hay như các phường rối Nam Giang, Nam Chấn (Nam Định); Nguyên Xá (Thái Bình)… vẫn có những buổi biểu diễn phục vụ bà con trong làng, trong xã.

Thầy già...

Đến với liên hoan lần này, những người nông dân chất phác hồn nhiên kể cho nhau nghe lối diễn của mình. Không giấu giếm, họ còn bày cho nhau cách chế tác con trò thế nào, mua gỗ, mua sơn ở đâu thì rẻ. Để giữ được những trò diễn dân gian của cha ông để lại đến ngày nay, những người nông dân hàng ngày tất bật với việc đồng áng, lo chuyện cơm áo gạo tiền… nhưng thi thoảng vẫn phải tập trung lại để tập luyện và biểu diễn để không quên nghề.

Rất dễ nhận thấy những nghệ nhân, diễn viên tham gia liên hoan múa rối lần này đều đã già (trong độ tuổi 50-70). Đó cũng chính là thực trạng của các phường rối dân gian. “Trẻ thì người ta chả học, chả theo, vì theo mà không có thu nhập thì lấy gì mà nuôi vợ con. Nên chỉ có các ông già, muốn giữ nghệ thuật cổ truyền của cha ông thì diễn thôi!” - nghệ nhân Nguyễn Trọng Đường (83 tuổi), ở Phường rối Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình nói. Hầu hết các phường rối hiện nay chưa có lớp kế cận. Có phường người trẻ nhất là 47, người già nhất là 87 tuổi.

Nông dân vào hội

Hội diễn dành cho múa rối dân gian tính đến nay cũng đã có tới 3-4 cuộc. Gần đây nhất là dịp Giỗ Tổ 2005, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức, nhưng chỉ 8 phường tham gia. Bởi thế, ở Hải Dương lần này là lần đầu tiên các phường rối có ngày hội đúng nghĩa. Cục Nghệ thuật biểu diễn hỗ trợ 20 triệu đồng/phường và sẽ trao thưởng cho tiết mục đặc sắc, nghệ sĩ biểu diễn tốt… không khác gì hội diễn của nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Sự đãi ngộ này, cùng với sự cổ vũ của đông đảo nhân dân và du khách đến Hải Dương khiến các nghệ sĩ nông dân phấn chấn lắm. NSND Ngô Quỳnh Giao - Trưởng ban Giám khảo liên hoan thì cho rằng, tổ chức liên hoan này cũng là lúc để “đánh tiếng” tới xã hội, tới các cấp quản lý văn hóa cần quan tâm hơn tới loại hình dân gian này, giúp cho những người nông dân bấy lâu gìn giữ nghệ thuật của cha ông không còn đơn thương độc mã.

Ông Đăng Chương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, đây là một trong những hoạt động tiền đề của đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống” mà Cục phối hợp Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện. Trong tháng 7 tới, khi đề án được Chính phủ phê duyệt, sẽ rất thuận lợi cho các cấp quản lý văn hóa triển khai các chính sách cho nghệ nhân cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống.