Dân Việt

Lá lốt gói thịt ốc lát!

Bài, ảnh: Hồng Khuyên 25/07/2015 15:52 GMT+7
Lá lốt hái về rửa sạch để ráo rồi gói với thịt ốc đã bằm. Lá lốt gói xong thì xếp vỉ, bắc lên bếp than hồng nướng lại. Khi lá bọc cháy xém ngả màu nâu sẫm là thịt ốc chín, bốc mùi thơm ngào ngạt.

img

Lá lốt ngoài vườn nhà.

Cây lá lốt cùng họ với dây tiêu. Cây lá lốt ít khi bò mà chúng thường mọc thẳng cao khoảng ba, bốn tấc tây. Đến lúc lớn do có nhiều lá nặng nên thân lốt trườn trên mặt đất. Lá đơn, hình trái tim có mùi thơm đặc trưng, mặt lá láng bóng, có gân chính phân ra từ cuống lá; cuống lá có bẹ.

Lá lốt có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, người bình dân dùng lá lốt để chế biến nhiều món ăn dân gian. Ở miền Tây Nam bộ, những ngày mưa đầu mùa, trẻ con thương hay ra đồng lượm ốc lát về bằm nướng với lá lốt.

img

Ốc vừa luộc chín.

Ốc lát con lớn cỡ ngón chân cái thường hay xuất hiện dưới chân gốc rạ lúa mùa mỗi khi đồng ruộng xâm xấp nước mưa. Tay chỉ cần cầm cái cái thao, cái rổ lội qua ra đồng tìm lượm ốc. Chừng nửa buổi, ốc đã đủ ăn cho cả nhà. Đem ốc về ngâm chúng trong nước vo cơm, hòa thêm ít muối. Ốc sẽ nhả hết cặn bả, rong rêu. Sau đó bắc nồi nước sôi lên luộc cho ốc chín. Khi luộc người ta để trên mặt xoong, nồi ít lá ổi hoặc lá sả. Dụng ý của việc làm này là để cho nhớt ốc quện vào những thứ lá cây đó.

Khi ốc trốc vẩy, trút ốc ra rổ đảo mạnh cho nước văng ra. Dùng que tre hoặc gai chanh, tắc lể lấy ốc ra. Sau đó, bằm phần thịt ốc cho nhuyễn. Nêm nếm vừa ăn. Vì thịt ốc lạnh, thường có mùi tanh, nên khi chế biến ít khi dân gian quên các vị nóng cay như tiêu, ớt, tỏi, gừng, … Thêm ít thịt ba rọi heo bằm chung vừa tạo độ kết dính vừa tạo màu sắc hồng đỏ đẹp mắt.

Lá lốt hái về rửa sạch để ráo rồi gói thịt ốc đã bằm và chuẩn bị. Lá lốt gói xong thì xếp lên vỉ bắc lên bếp than hồng nướng lại. Lá cháy xém, thịt ốc chín, bốc mùi thơm ngào ngạt. Gấp miếng ốc nướng lá lốt chấm nước mắm chua cay pha từ nước cốt chanh, ớt, tỏi, đâm nát vị ngọt của ốc quyện với mùi thơm của lá lốt thì thật đã miệng.

Món ốc nướng lá lốt ăn cơm cũng ngon, nhậu càng bắt. Vì thế, khi có anh em họ hàng đến chơi, người ta chịu khó tốn chút công là đã có thứ ngon miệng mà chẳng cần phải hao tốn. Bởi món ăn này, ngoại trừ gia vị, còn lại là những thứ có sẵn được kết hợp một cách hài hòa từ trí tuệ của người bình dân miền quê sông nước.