Dân Việt

“Chẳng đặng đừng mới phải độc quyền vàng”

Mai Hương 29/07/2015 07:00 GMT+7
“Việc Nhà nước giữ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, độc quyền sản xuất ra vàng miếng để cung cấp cho thị trường là chẳng đặng đừng”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nói như vậy sau khi Bộ Công Thương công bố dự thảo cho biết Nhà nước sẽ tiếp tục giữ vị trí độc quyền với vàng.

Trước sau cũng trả lại cho tư nhân

Ông Phong cho biết, hiện còn rất ít nước thực hiện độc quyền vàng như Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh, buôn bán vàng, ngoại tệ “loạn xạ” như hiện nay thì việc giữ độc quyền vàng tạm thời được cho là “sáng suốt”. “Độc quyền bao lâu, như thế nào Nhà nước sẽ phải tính toán bởi chắc chắn nó sẽ không thể kéo dài mãi” - ông Phong nhận định.

img

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng phân tích: Nhà nước dù muốn hay không cũng không thể giữ mãi thế độc quyền với vàng vì như thế là xung đột chức năng của Nhà nước. “Dù kinh doanh vàng của Nhà nước không phải là để kiếm lời thì cũng vẫn là hoạt động mua-bán trên thị trường. Do vậy sẽ là không thích hợp khi anh vừa nhập, vừa bán-mua và quản lý như thế. Trước sau Nhà nước cũng phải trả lại vàng cho các nhà kinh doanh tư nhân” - ông Hiếu khẳng định.

Không thể phủ nhận thị trường vàng đã ổn định ít nhiều và tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã giảm khi Nhà nước thực hiện độc quyền vàng. Song người dân vẫn bức xúc khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau tới 3-4 triệu đồng/lượng. “Thị trường vàng trong nước và thế giới vẫn bị nghẽn khi mà chỉ có Ngân hàng Nhà nước “liên hệ được” với thế giới khi nắm giữ thế độc quyền vàng” - ông Hiếu cho biết.

Về phía người dân, theo đánh giá của ông Hiếu, họ không quan tâm ai nhập, có xung đột chức năng hay không mà họ chỉ quan tâm giá vàng chênh với giá thế giới quá nhiều, thậm chí đôi khi đi ngược lại với diễn biến của giá thế giới.

Do vậy, thế khó khi giữ độc quyền vàng, theo vị chuyên gia tài chính này, là Nhà nước chưa quân bình được cung-cầu vàng để kéo giá vàng lại gần với nhau. Trong khi, chỉ có liên thông cung-cầu cùng nhịp mới có thể tạo được sự ổn định cho thị trường.

Ông Hiếu khẳng định: “Với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn từ 3-4 triệu đồng/lượng như hiện nay, Nhà nước dù độc quyền vẫn khó có thể chặn được tình trạng người đầu cơ mua vàng bằng cách nào đó để bán kiếm lời trên thị trường. Và đã là đầu cơ thì tất yếu không có lợi cho người dân”.

Sớm thu hẹp khoảng cách giá

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, mặt tích cực của độc quyền vàng là giảm bớt hoạt động đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ tạo sóng trục lợi. Chúng ta tiết kiệm được ngoại tệ nhập vàng vào, giữ được đồng nội tệ trong ngân hàng… Song mặt trái của việc độc quyền này cũng đang không ít. Do chênh lệch giá vàng quá lớn đã gây ra áp lực ngầm buôn lậu vàng. “Chỉ cần mang được qua biên giới một thỏi vàng là đã có thể được lãi hàng triệu đồng. Không ít vụ buôn lậu vàng đã bị  bắt giữ nhưng phần “ngầm” của nó thực tế lớn hơn rất nhiều” - ông Phong nói.

Hậu quả của mặt trái này, theo các chuyên gia kinh tế là rất nguy hiểm bởi nó tạo ra lợi ích nhóm, chảy máu ngầm ngoại tệ và cuối cùng sẽ gây áp lực trở lại cho thị trường vàng. Chưa kể, người dân, doanh nghiệp muốn mua-bán vàng không chủ động được trong khi giá thì lại chênh lệch lớn.

Để tạo niềm tin cho người dân và thị trường khi giữ thế độc quyền vàng, các chuyên gia cho rằng, trước mắt Nhà nước cần nhập khẩu thêm vàng về đấu giá bán thêm, tạo cung cho thị trường để thu hẹp khoảng cách giá. Giải pháp này không dễ thực hiện vì gắn với việc dự trữ ngoại tệ.

Nhà nước có thể gỡ bằng cách buộc các doanh nghiệp sản xuất, chế tác vàng tự chủ động nguyên liệu. Trên cơ sở đó, Nhà nước có thể cấp một hạn mức quota nào đó cho các đơn vị này nhập vàng về. Như vậy, Nhà nước không phải chi nhiều ngoại tệ để nhập vàng và có thể giúp kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khi cung cầu vàng trên thị trường được cân bằng hơn.

Giá vàng thế giới giảm lúc này, có thể không quá khó để ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ và giải pháp ổn định thị trường vàng; đồng thời đạt cả các mục tiêu bảo vệ tỷ giá, nguồn tiền cho nền kinh tế…