Gửi cha thương yêu,
Con khó có thể nói những điều này với cha bởi tính con vốn thế, trước nay vẫn hay xấu hổ, không tự tin thể hiện cảm xúc trước bất kỳ ai. Con cố tạo cho mình vỏ bọc lạnh lùng, ít nói để ai cũng nghĩ con khó gần, không hòa đồng với mọi người. Nhưng họ đâu biết, đằng sau đó là trái tim yếu ớt, dễ rơi nước mắt...
Thế nhưng cha hiểu được. Cha thường bảo, con gái lớn lên xa cha mẹ, không còn được chở che nữa, con phải tự đứng trên đôi chân của mình để đối mặt với cuộc sống. Ngoài kia bao cám dỗ, thử thách đang chờ đợi con.
Lên lớp 6, cha quyết định cho con học trường huyện cách nhà 15 km, đồng nghĩa con sẽ phải ở trọ xa cha mẹ 1 tuần mới được về nhà 1 lần.
Con háo hức rời khỏi tổ ấm khi nghĩ đến cuộc sống mới không còn chịu sự giám sát, quát mắng của cha mẹ. Thế nhưng, tâm hồn non nớt của con lúc đó chỉ háo hức được 1 tháng đầu, sau đó là những ngày khóc lóc nhớ nhà.
Cha thương con giữa tuần xuống thăm con gái một lần. Những ngày giữa tuần cha xuống, con đòi được theo cha về nhà, được về chơi với lũ bạn ở quê, được mẹ đòn roi quát mắng như trước nhưng cha không cho.
Cha thường bảo, con gái lớn lên xa cha mẹ, không còn được chở che nữa, con phải tự đứng trên đôi chân của mình để đối mặt với cuộc sống (Ảnh minh họa)
Cha bảo, muốn con phải học cách sống tự lập. Lên lớp 6, con 12 tuổi đã có thể tự lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Cuối tuần về nhà, thấy con háo hức xuống bếp phụ mẹ, cha mừng lắm. Thế là bước đầu cho con học cách tự lập thành công.
Năm đó, con đăng ký thi học sinh giỏi huyện 2 môn: Toán và Anh văn. Đến ngày thi, thấy các bạn trong quê được bố mẹ đưa đi thi oai lắm vì ở quê, phải qua mấy kỳ thi học sinh giỏi trường mới được chọn đi thi học sinh giỏi huyện. Ngóng mãi chẳng thấy cha đâu, con một mình vào phòng thi và về tự nấu nướng ăn. Sau hôm đó, con chính thức “dỗi” cha.
Cuối tuần được cha đón về nhà. Con ríu rít chạy nhảy khắp sân vườn rồi lại tíu tít khoe đi thi làm bài tốt với mẹ. Cha chỉ mỉm cười không nói gì. Con cũng mặc kệ vì đang “dỗi” cha mà.
Tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, cha gọi con lại bảo: “Con làm bài tốt chứ? Năm nay thi ngay ở trường con cha không xuống đưa con đi thi. Con thấy thoải mái hơn, không căng thẳng khi cha hỏi bài đúng không nào? Nhưng năm sau, nếu thi ở trường khác cha sẽ đưa con đi đấy”.
Con nghe thế nhưng vẫn tức tối: “Thế sao các bạn ở gần nhà cũng được bố mẹ đèo đi, ngày thường cũng tự đi học đó”. Cha lại chỉ mỉm cười, “sau này lớn lên con sẽ hiểu”.
Năm thi đại học, bạn bè đều được bố hoặc mẹ đưa đi, một mình con xếp sách vở, quần áo tự bắt xe vào Vinh “chinh chiến”. Cha bảo, con đi trước một ngày, vào nhà bác ở ngay gần địa điểm thi, con có thể tự xoay xở được.
Vậy mà vào đến nơi kiểm tra không thấy chứng minh thư ở đâu, con lại một mình lóc cóc bắt xe về để lấy. Bác bảo để bác điện cho cha đưa vào nhưng con biết, đằng nào cha cũng bảo con tự về lấy vì tội “đi cày quên trâu”.
Sáng hôm sau, một mình con tự đi làm thủ thục thi, bác bảo, bất ngờ vì con mới 18 tuổi mà đã có thể một mình làm mọi thứ như thế trong khi chị Anh con bác học đại học mà tuần nào cũng về nhà vì nhớ quá không chịu được.
Năm đó, con đỗ đại học. Cha mỉm cười bảo, “con làm được đấy, hôm sau tự đi nhập học chứ?” Lần này tôi có phần hơi “tổn thương” vì bạn bè đỗ đại học là cả bố mẹ đưa đi oai lắm, còn con, thấy cha vẫn cứ bình thường, chỉ mỗi câu được đấy...
4 năm học đại học, cha ra thăm con đúng 2 lần. Lần đầu là ra xin phép bác cả cho con được ra ngoài trọ học vì bác cứ giữ con quá, cha muốn con ra ngoài va vấp cho “cứng cáp”. Lần sau là ra dự lễ tốt nghiệp và không quên nhắc nhở... con tự chọn việc ưa thích mà làm.
Con biết, cha nói thế nhưng vẫn lo lắng cho con lắm. Năm thứ 3 con đã có việc làm. Năm thứ 4 con gọi điện về thông báo chuyển việc mới thu nhập tốt hơn.
Và đến ngày ra trường, trong khi bố mẹ các bạn đang ngược xuôi chạy việc cho con, bạn bè mới lò dò tìm cách làm cv, hồ sơ thì con đã tự tin ở vị trí trưởng bộ phận đối ngoại công ty. Cha mỉm cười vì con đã có thể tự tin đứng trên đôi chân của mình.
Người ta khen con giỏi, cha mẹ con may mắn có con ngoan, hiếu thảo. Nhưng người ta đâu biết, con được cha dạy dỗ từ lúc mới lên 12 tuổi. Họ đâu biết con học được bài học tự lập từ cha.
hoangha...@gmail.com