“Cứ về đến ấp Hòa Ngãi hỏi nhà Phong “bò sữa” thì ai cũng biết”, qua điện thoại, Phong chỉ dẫn tôi tìm đến nhà anh. Vậy tại sao là Phong “bò sữa”? Sau này tôi mới biết anh “chết danh” cũng bởi là thủ lĩnh thanh niên nuôi bò sữa ở đây.
Cho “máy in tiền” nhai cỏ mồm…
Trong căn nhà tuềnh toàng, Phong đang vật lộn đưa mấy bao cám công nghiệp lên xe ba gác để chở đến giao cho mấy hộ nuôi bò sữa trong ấp Hòa Ngãi. Với tạng người nhỏ nhắn, xem anh vác hàng cứ như những bao cám biết đi.
Nguyễn Thanh Phong chuẩn bị cỏ mồm cho đàn bò ăn. Ảnh: TĐ
Phong cho biết, trước khi nuôi bò sữa anh trồng đậu bắp, cà pháo… Làm nông quần quật suốt ngày mà chẳng khấm khá gì, Phong đành phải đi xin một chân thợ sơn nhà để cải thiện thu nhập. Tình cờ xem một phóng sự về nuôi bò sữa trên truyền hình, anh nảy sinh ý định… nuôi bò sữa. “Từ khi xem chương trình ấy, tui phấn khích với nghề nuôi bò sữa lắm. Tui nghĩ con bò sữa sẽ là cái “máy in tiền” khi đầu tư thấp, nguồn cầu dồi dào, giá sữa tốt…” - anh nói.
Sẵn lúc “ông già” cho hai công đất làm của hồi môn, Phong mua cây, lá vây lại thành trại, rồi tất tả mang 5 triệu đồng tiền tích cóp khi làm nông đi sắm… “máy in tiền”. Đúng như Phong dự đoán, sau 3 năm anh vào nghề chăn nuôi bò sữa, năm 2009, nghề chăn nuôi bò sữa bước vào giai đoạn vàng son- được mùa, được giá. Tiền lời từ bán sữa được bao nhiêu, anh đều đổ hết vào sắm “máy in tiền”. Số lượng đàn bò của anh cứ nâng dần lên, giờ có đến 40 con và hơn 1ha đất để trồng cỏ.
Để tiết giảm sức lao động, trong trại chăn nuôi bò sữa của mình, anh Phong cơ giới hóa cho từng khâu chăn nuôi- máy vắt sữa, máy trộn thức ăn, máy cắt cỏ, hệ thống làm mát chuồng trại… Nhờ đó, với 40 con bò sữa anh chỉ cần thuê 2 nhân công làm việc. Mỗi ngày anh xuất bán cho Công ty Vinamilk khoảng 450 – 500kg sữa bò.
Tất nhiên, trong quá trình đi “in tiền”, nhiều lúc Phong cũng “lên bờ, xuống ruộng”. Có lúc anh bị “cháy” 3 cái “máy in tiền” chỉ trong một tuần. Lần đó, Phong suy sụp nặng, mất 3 con bò sữa đồng nghĩa gần như phá sản. Nhưng anh không nản lòng bỏ cuộc mà đi tìm nguyên nhân bò chết để làm bài học kinh nghiệm xương máu và… đi tiếp. “Tui cho rằng để làm nông thành công chỉ cần cù, chí thú làm ăn là chưa đủ. Nông dân bây giờ cần phải biết tính toán nhu cầu thị trường, thu chi, học hỏi và linh hoạt trong sản xuất” - Phong nhận định.
Trước khi gặp Phong “bò sữa”, một lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Long An đã cho tôi biết anh thành công trong việc chăn nuôi bò sữa là nhờ biết sáng tạo và linh hoạt trong chăn nuôi. Theo vị lãnh đạo này, những năm gần đây, Phong không cho bò ăn cỏ voi như bao nông dân nuôi bò sữa khác mà thay vào đó là cỏ mồm.
Khi nghe hỏi chuyện này, Phong gật gù: “Đúng là khoảng 3 năm nay tôi cho bò ăn cỏ mồm chứ không cho ăn cỏ voi nữa”. Theo Phong, thực tế ở một số hộ chăn nuôi bò sữa ở ấp Hòa Ngãi và ở trại bò của anh Phong cho thấy, khi cho bò sữa ăn cỏ mồm chất lượng sữa cao hơn khi bò ăn cỏ voi. “Tui đã từng làm thử nghiệm tại một số hộ nuôi bò sữa cho sản lượng, chất lượng thấp trong ấp Hòa Ngãi. Cùng một điều kiện chăn nuôi như trước, nhưng thay cỏ mồm bằng cỏ voi, sau một thời gian chất lượng, sản lượng sữa của đàn bò đều tăng so với trước” -anh Phong cho biết. Hiện, tại trại nuôi bò sữa của anh Phong, chất lượng sữa khi cho bò ăn cỏ mồm được anh ghi nhận như sau- độ khô 8,8 – 8,9, độ béo 4,0 – 4,2; tương ứng với cho bò ăn cỏ voi là 8,4 và 3,6.
Cũng theo anh Phong, nhờ cho ăn cỏ mồm mà đàn bò sữa trong trại có những con cho sữa đến 40kg/ngày. Và với quy mô trại nuôi bò sữa như của anh, thay vì cần hơn 1ha đất trồng cỏ voi thì giờ chỉ cần 6 công đất trồng cỏ mồm là đủ cho đàn bò ăn, bởi cỏ mọc rất dày, 200 – 300 tấn/ha (7 tuần tuổi).
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Long An Ngô Thanh Tuyền, ở Long An nuôi bò sữa với quy mô như trang trại anh Phong là không nhiều. Phong là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2014.
“Ngân hàng bò” lập nghiệp
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, Phong còn lập “ngân hàng bò” để chia sẻ kinh nghiệm và vốn liếng nuôi bò sữa cho thanh niên địa phương. Lâu nay “ngân hàng bò” của anh đã tạo cơ hội cho nhiều thanh niên trong ấp tiếp cận và thoát nghèo. Theo đó, ở ấp Hòa Ngãi có khoảng 40 hộ nuôi bò sữa, trung bình 10 con/hộ, hầu hết đều được sự giúp đỡ của Phong.
Với những thanh niên mong muốn lập nghiệp từ bò sữa, đến với “ngân hàng bò” sẽ được cung cấp giống, thức ăn trả chậm, được hướng dẫn kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi… “Thanh niên ở đây chí thú làm ăn lắm. Ngặt là họ thiếu vốn. Nếu họ cần giúp đỡ tui hỗ trợ liền, chỉ mong rằng nhờ đó mà anh em vươn lên khá giả” - Phong thổ lộ.
Anh Phương – một trong những thanh niên chăn nuôi bò sữa ở đây cho biết, cũng nhờ có “ngân hàng bò” mà anh mới có cơ nghiệp như hôm nay. Đến với “ngân hàng bò”, anh được Phong “bò sữa” giúp đỡ từ kinh nghiệm, kiến thức cho đến thức ăn cho bò… Hiện anh Phương đã nhân đàn lên được chục con bò sữa. Cũng như Phong “bò sữa”, anh Phương cho đàn bò ăn cỏ mồm thay vì cỏ voi và cũng đang cho sản lượng sữa rất đáng khích lệ.
Một số thanh niên nuôi bò sữa ở đây còn cho biết, nếu cần Phong “bò sữa” sẵn sàng đến nhà đỡ đẻ cho những ca bò sinh hoặc lặn lội đi tìm giống bò tốt mua cho anh em. “Tui không đắn đo chuyện này, với người nuôi bò sữa, con giống rất quý, thành công hay không đây là khâu quyết định” - anh nói.
Theo anh Phong, một số anh em trẻ mới vào nghề nuôi bò sữa rất thích mua giống bò cao sản về nuôi vì nghĩ sẽ cho nhiều sữa, lấy lại vốn nhanh. Nhưng thực tế, nhiều người đã phá sản vì chọn lựa này do bò cao sản rất khó nuôi, dễ chết nếu thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Vì thế, với những người mới vào nghề, tốt nhất nên chọn mua bò sữa giống F1, F2, tuy sản lượng sữa có hạn nhưng đây là giống dễ nuôi, thích nghi tốt với môi trường...
Hiện, để tạo cơ hội thường xuyên gặp gỡ nhằm trao đổi kinh nghiệm và định hướng sản xuất, chăn nuôi bò sữa, Phong và những thanh niên ở ấp Hòa Ngãi lập ra câu lạc bộ thanh niên chăn nuôi bò sữa.
Tại Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, Nguyễn Thanh Phong là 1 trong 150 nhà nông trẻ tiêu biểu được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. |