Ngày 29.7, Mỹ đã lên tiếng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) có tiếng nói quyết liệt hơn nữa để ủng hộ Washington trong vấn đề Biển Đông, như một lời “trách cứ” trước sự thờ ơ của các đồng minh này với sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bà Amy Searight, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Nam và Đông Nam Á tuyên bố rằng Mỹ hoan nghênh việc EU kêu gọi một giải pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Bà Amy Searight, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Nam và Đông Nam Á
Bà chỉ ra rằng giữa Mỹ và EU “đã có cách tiếp cận khác biệt” trong việc yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hành động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Phát biểu trong một phiên thảo luận về chính sách của Mỹ và EU đối với Đông Á diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Searight nhấn mạnh: “Sẽ là rất tốt nếu EU rõ ràng hơn một chút trong việc ủng hộ các nguyên tắc (trên Biển Đông). Một cách tiếp cận thẳng thắn hơn nữa để ủng hộ, như ý tưởng ngừng hoạt động xây đảo phi pháp, quân sự hóa các đảo nhân tạo chẳng hạn, sẽ là rất hữu ích”.
Ông Michael Fuchs, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á cho biết việc giảm nguy cơ nổ ra xung đột trên Biển Đông là rất cần thiết, và để làm được điều đó, cả Mỹ và EU đều phải “lên tiếng khi chứng kiến những hoạt động khiến chúng ta quan ngại”.
Đáp lại những lời kêu gọi trên của Mỹ, ông David O’Sullivan, đại sứ EU tại Washington cho rằng mặc dù Mỹ và EU có những mục tiêu rất giống nhau, nhưng việc “đưa ra những tuyên bố chung đôi khi hữu ích, nhưng đôi khi cũng phản tác dụng”.
Ảnh vệ tinh hôm 13.7 cho thấy Trung Quốc đã xây xong đường băng trên bãi đá Chữ Thập của Việt Nam
Theo ông O’Sullivan, mặc dù EU rất quan ngại về tình hình an ninh ở khu vực Đông Á, nhưng họ có những “hạn chế” trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực này. Ông nói: “Thứ mà khu vực này ít cần đến nhất là pháo hạm. Tôi không cho rằng đó là những gì mà chúng tôi sẽ đóng góp cho an ninh trong tương lai của khu vực”.
Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Đô đốc Tomohisa Takei nhấn mạnh rằng các quốc gia châu Á đang rất cần phải tăng cường sức mạnh hải quân và hợp tác trên biển để đối phó với những căng thẳng ngày càng tăng trên Biển Đông.
Đô đốc Takei khẳng định Nhật Bản có thể giúp đỡ các nước trong khu vực củng cố sức mạnh hải quân bằng cách đóng góp cả về nhân lực và vật lực cho quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân các nước.
Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí từ hồi năm ngoái, và đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác an ninh với nhiều quốc gia trong khu vực có chung mối quan ngại với tham vọng trên biển của Trung Quốc.