Trong nhiều năm, bản kinh cổ nói trên bị xếp chung với một bản khác viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7. Không ai nhận ra giá trị của nó cho đến khi Alba Fedeli, một nghiên cứu sinh, phát hiện ra khi đang tìm tài liệu viết luận văn tiến sĩ.
Đầu tiên cô để ý đến nghệ thuật thư pháp trên những trang sách. Rồi Fedeli nhận ra có hai trang rời ra khỏi tập bản thảo kinh Koran mà cô đang xem. So sánh chữ viết ở hai trang này và chữ viết trên cả tập bản thảo thấy có sự khác nhau. Ngay lập tức Đại học Birmingham gửi hai trang bản thảo này tới đại học Oxford để kiểm tra niên đại.
Bản thảo kinh Koran tìm thấy trong thư viện đại học Birmingham. Ảnh: Reuters
Hôm 24/7, họ công bố kết quả cho biết đây là một trong những bản kinh Hồi giáo cổ xưa nhất, thậm chí người chép quyển kinh này còn có thể quen biết với nhà tiên tri Mohammad.
Theo New York Times, các chuyên gia trường Đại học Oxford đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị các-bon, cho thấy bản kinh được làm từ da dê hoặc da cừu, được viết vào khoảng năm 568 đến 645, gần như cùng thời với nhà tiên tri Mohammad, ông được cho là sống vào khoảng năm 570 đến 632.
"Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng, quá đỗi ngạc nhiên," David Thomas, giáo sư ngành đạo Hồi và Cơ đốc của Đại học Birmingham nói. Ông cho rằng phát hiện này sẽ giúp giới khoa học hiểu biết thêm về giai đoạn hình thành đạo Hồi.
"Những trang bản thảo này giúp chúng ta biết kinh Koran đã từng được sử dụng và ghi chép như thế nào," Sajjad Rizvi, giám đốc Viện nghiên cứu Ả rập và đạo Hồi, Đại học Exeter cho biết.
Bản kinh ước tính ít nhất 1.370 tuổi này gồm các chương từ 18 đến 20, viết bằng chữ Hijazi - một loại chữ Arab cổ, và dùng bút mực chép tay. Giáo sư Thomas cho rằng người chép bản kinh này có thể biết rõ nhà tiên tri Mohammad, có thể đã gặp và nghe ông giảng đạo.
Vào thời nhà tiên tri Mohammad, những lời thánh truyền cho ông không được tập hợp lại thành một cuốn sách như ngày nay. Thay vào đó, chúng được chép trên các cuộn da dê, lá cọ, cột đá hoặc xương bả vai lạc đà.
Tom Holland, tác giả cuốn sách "In the Shadow of the Sword," (Dưới bóng thanh gươm) về nguồn gốc đạo Hồi, cho rằng phát hiện của Đại học Birmingham củng cố quan điểm rằng kinh Koran được hoàn thiện và có nội dung như ngày nay kể từ thời nhà tiên tri Mohammad. Tuy nhiên nó chưa làm sáng tỏ được những nghi vấn rằng các trang bản thảo, gồm nhiều chương khác nhau được tập hợp thành một bản kinh Koran như thế nào và tại sao.
Saud al-Sarhan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đạo Hồi ở Riyadh (Arab Saudi) nghi ngờ niên đại của bản thảo được phát hiện tại Birmingham. Ông cho rằng chữ Arab dùng trong bản thảo này có các dấu chấm và các phần tách biệt nhau, những đặc điểm mà mãi sau này mới có.
Ông cũng nhấn mạnh rằng niên đại của cuộn giấy da không chứng minh được thời điểm văn bản được ghi chép. Bởi người ta thường làm sạch, phơi khô da động vật rồi sau này mới dùng nó để viết.
Tuy nhiên, Jeff Speakman, giám đốc Trung Tâm Ứng dụng Nghiên cứu Đồng vị, đại học Georgia, người không tham gia nghiên cứu nhận xét, giám định về niên đại và độ chính xác của bản kinh rất đáng tin cậy.
"Oxford có một trong những phóng thí nghiệm đồng vị phóng xạ các-bon hàng đầu thế giới," Speakman nói. Dù sao thì đối với những người theo đạo Hồi ở Birmingham, phát hiện này cũng đem lại một niềm vui lớn.
Marie Sviergula, cán bộ bảo tồn cẩn thận giở bản thảo kinh Koran cổ xưa nhất vừa được tìm thấy ở Đại học Birmingham. Ảnh: Reuters
Mohammad Afzal, chủ tịch ban quản trị nhà thờ Hồi giáo Birmingham, nói ông rất vinh dự và mừng đến rơi nước mắt khi được diện kiến bản kinh.
"Điều này đưa chúng ta đến thưở khai sinh của đạo Hồi. Tất cả những người theo đạo Hồi trên thế giới đều nóng lòng muốn xem bản thảo này."
Giáo sư Thomas cho biết những trang bản thảo mới được phát hiện sẽ được trưng bày trước công chúng vào tháng 10. Ông nói thêm rằng người Hồi giáo thực ra không cần văn bản nào để cảm nhận hay tìm hiểu thêm về kinh Koran. Bởi từng lời trong cuốn kinh đã được họ truyền miệng, ghi nhớ và tôn sùng từ lâu.
"Với người Hồi giáo, kinh Koran luôn ở trong tâm trí," ông nói.