Dân Việt

Kiện thịt gà Mỹ bán phá giá ở Việt Nam: Luật sư nói khó?

Nam Thiên (Zing) 31/07/2015 17:00 GMT+7
Đại diện Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, dù chưa nhận được bản kiến nghị điều tra, nhưng đơn vị này đã có thông tin liên quan đến nghi án thịt gà Mỹ bán phá giá

Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp (DN) trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết, hiện mới nghe thông tin qua các phương tiện truyền thông, chưa nhận văn bản đề nghị điều tra chống bán phá giá (CBPG) từ Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ (ĐNB). 

Tuy nhiên theo bà Giang, Cục đã có thông tin thịt gà Mỹ bán giá rẻ bất thường từ trước đó. Cơ quan này đã tiến hành thu thập thông tin từ các bên liên quan. Khi có đủ thông tin cho thấy có dấu hiệu BPG, Cục quản lý cạnh tranh sẽ chính thức làm việc với các đơn vị liên quan. “Bất cứ tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cá nhân đều có quyền gửi đề nghị điều tra CBPG mặt hàng nào đó. Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền đưa ra quyết định điều tra...”, bà Giang khẳng định.

Theo luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty luật ATIM, người từng tư vấn khá thành công trong vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội, việc khởi kiện và điều tra chống bán phá giá là một quy trình phức tạp. Quy trình này kéo dài và gồm nhiều giai đoạn, như nộp hồ sơ; ra quyết định khởi xướng điều tra; điều tra và kết luận sơ bộ; điều tra và kết luận cuối cùng; áp thuế, xem xét việc áp thuế hàng năm sau năm đầu áp thuế...

Mỗi giai đoạn lại có những yêu cầu riêng và kết quả phụ thuộc nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là các thông tin, dữ liệu và phương pháp tính toán mà bên khởi kiện và cơ quan điều tra sử dụng để tính toán biên độ phá giá, chứng minh thiệt hại của nhà sản xuất trong nước. Ngoài ra, có cả các yếu tố khác như phản hồi của các bên có liên quan, lợi ích người tiêu dùng và cả yếu tố chính trị.

img

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ khẳng định có đủ cơ sở để khởi kiện vụ thịt gà Mỹ bán phá giá tại Việt Nam. Ảnh: N. Thiên.

Đáng chú ý là ở giai đoạn nộp hồ sơ yêu cầu và để Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra, cần đáp ứng điều kiện doanh nghiệp, trang trại ĐNB phải đại diện cho nhà sản xuất trong nước theo nguyên tắc 25% và 50%. Tức là đại diện các nhà chăn nuôi gia cầm ĐNB tham gia kiện phải đảm bảo ít nhất 25% thị phần về giá trị sản xuất trong nước; không nhập khẩu, không có quan hệ liên kết với nhà nhập khẩu. 

Theo kinh nghiệm của ATIM, việc đạt thỏa thuận này không dễ dàng. Nhất là lượng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam phải đủ lớn hơn 3%.  Sau khi có quyết định điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiến hành độc lập và yêu cầu các bên cung cấp số liệu, hoặc sử dụng số liệu sẵn có để tính toán biên độ phá giá và xác định thiệt hại.

Việc có áp thuế hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả điều tra. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi ĐNB, cho biết, ĐNB là vùng nuôi gà công nghiệp lớn nhất nước. Khu vực này mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 9 triệu con gà, nên yêu cầu chiếm đến 25%, thậm chí 50%, hoàn toàn đáp ứng được. Còn ông Nguyễn Thanh Phương, phụ trách chăn nuôi Công ty Emives, cho hay, mỗi tháng, lượng gà nhập khẩu về trung bình khoảng 6.000 tấn, tương đương 3 triệu con, chiếm trên 30% sản xuất trong nước, gấp 10 lần mức 3% của luật quy định.

Hiệp hội chăn nuôi ĐNB khẳng định, sẽ cung cấp tất cả các thông tin, dữ liệu cần thiết khi chính thức điều tra CBPG thịt gà Mỹ. Tuy nhiên theo luật sư Phạm Lê Vinh, hiện Hiệp hội này mới chỉ thu thập được một số thông số về giá bán gà tại Mỹ, vài yếu tố về thiệt hại tại Việt Nam, rất khó để nhận định đã đủ căn cứ tiến hành một vụ kiện. Nếu có thì đây mới chỉ là bước sơ khởi, nộp hồ sơ yêu cầu. Quá trình điều tra còn lại rất phức tạp và phụ thuộc nhiều yếu tố.