Ngày 31.7, tờ Politico ở Mỹ đăng tin nhiều tướng lĩnh hải quân Mỹ đang quyết tâm đưa máy bay, tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, trong khi các quan chức Nhà Trắng tỏ ra thận trọng hơn và không muốn làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung trong “giai đoạn nhạy cảm”.
Theo Politico, các tướng lĩnh Lầu Năm Góc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ bảo lưu quyền đi lại của tàu thuyền hay bay ngang của máy bay gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng và đang “quân sự hóa”.
Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên Biển Đông
Hải quân Mỹ không tiết lộ họ đã thực hiện hành động áp sát này hay chưa, tuy nhiên nhiều quan chức quân đội và nghị sĩ Mỹ muốn chính phủ nước này có “màn thể hiện hoành tráng” bằng cách đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo để nói rõ với Trung Quốc rằng Mỹ không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của họ xung quanh những hòn đảo này.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khu vực 12 hải lý được coi là “lãnh hải” của các thực thể có chủ quyền trên biển, và tàu quân sự nước ngoài không được phép xâm phạm khu vực này nếu không có sự nhất trí của quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, cũng theo UNCLOS, những hòn đảo nhân tạo như thế này của Trung Quốc không hề có giá trị về chủ quyền, do đó khu vực 12 hải lý xung quanh không được coi là “lãnh hải”.
Các quan chức quân đội Mỹ cho rằng nếu không làm như vậy, Washington đang ngầm chấp nhận những hành động “gây bất ổn” của Bắc Kinh.
Trực thăng Seahawk đáp xuống tàu USS Fort Worth sau khi tuần tra Biển Đông
Trả lời phỏng vấn Politico, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cho biết: “Chúng ta đang tiếp tục hạn chế Hải quân không hoạt động trong khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc, đây là một sai lầm nguy hiểm chẳng khác gì thừa nhận trên thực tế những tuyên bố chủ quyền nhân tạo của họ”.
Cho đến nay Hải quân Mỹ vẫn cố tình “mập mờ” về hoạt động của họ trên Biển Đông và không trả lời các câu hỏi về địa điểm chính xác mà tàu chiến của họ đã tuần tra trên vùng biển này. Hồi tháng Năm, khi tàu chiến USS Fort Worth của họ chạm mặt một tàu hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, Hải quân Mỹ cũng từ chối tiết lộ địa điểm chính xác nơi hai tàu gặp nhau.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Lầu Năm Góc William Urban khẳng định rằng chính sách của quân đội Mỹ trên Biển Đông vẫn không thay đổi, đó là “tiếp tục hoạt động phù hợp với quyền, tự do và sử dụng hợp pháp Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông
Một số nguồn tin tiết lộ với Politico rằng hiện đang có những bất đồng giữa giới chức quân sự với chính quyền Mỹ về việc đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang ngày càng muốn tránh đối đầu với Trung Quốc bằng hành động “áp sát” này.
Theo Politico, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đang tìm cách gây sức ép với Tổng thống Obama trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đây nhằm thể hiện rõ lập trường của nước Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Trong phiên điều trần của Đô đốc John Richardson trước Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đã nói thẳng: “Có vẻ như chính phủ đang cố tình trì hoãn việc đưa ra quyết sách, vì đây sẽ là việc chẳng hay ho gì trước thềm chuyến thăm của ông Tập vào tháng Chín tới đây”.
Thượng nghị sĩ này đặt câu hỏi: “Đến lúc nào thì những nỗ lực của chúng ta nhằm khơi dậy thành ý và đóng góp của Trung Quốc cho hệ thống quốc tế trở thành muối bỏ bể vì những hành động om sòm của họ nhằm phá hoại trật tự pháp trị ở châu Á?”
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa này kết luận: “Chúng ta cần có một kế hoạch tự do hàng hải tích cực, bao gồm những hoạt động tuần tra và diễn tập chung quanh chuỗi đảo thứ nhất, và đặc biệt là ở Biển Đông”.