Dân Việt

Phóng sự ảnh: Những chợ bán “đồ bỏ” ở miền Tây

Lê Gia Bảo 01/08/2015 12:01 GMT+7
Những cái chợ quê thôn dã thường nhóm họp không hoành tráng, bày bán đủ thứ đồ như những chợ xã hay chợ huyện. Mà ở những cái chợ "đặc biệt" này lại chỉ bán chuyên một thứ như chợ rơm, chợ tro, phân bò, cỏ, hay lục bình…

Những chợ quê như vậy xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, chuyên thu mua những thứ tưởng như bình thường, nhưng đem lại thu nhập cao cho nông dân.

img

Chợ phân rơm ở phường Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc – Đồng Tháp đã có hơn 15 năm nay, chợ này quy tụ mỗi ngày cả trăm chiếc ghe chở phân rơm về đây bán cho các hộ làm kiểng.

img

Anh Nguyễn Văn Chiến, ở Cần Thơ làm nghề mua bán phân rơm cho biết: Tôi đi thu gom những đóng phân rơm đã qua chất nấm rơm xong, hầu như người ta cho rồi đem về phơi 2-3 nắng xúc bán cho người trồng kiểng hay trồng rẫy.

img

Chợ rơm nằm ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành gần 10 năm nay, trên tuyến sông Bông Súng. Mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe rơm tươi từ 25-40 tấn, đem bán lại cho những hộ chất nấm rơm.

img

Ông Nguyễn Văn Tám, chuyên đi chở rơm từ đồng về đây bán cho biết: Thời đó, rơm ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười nhiều vô kể. Sau mùa vụ, rơm đầy đồng, nhiều người đốt bỏ hoặc vứt đầy kênh rạch gây ô nhiễm. Thấy dân Tân Hòa mang ghe sang chở rơm, những chủ đất rất mừng, họ “năn nỉ” biếu không, chẳng lấy đồng nào.

img

Ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, An Giang) có một chợ khá độc đáo: Chỉ mua bán một mặt hàng duy nhất là cỏ. Thời điểm bắt đầu nhóm họp chợ cũng khá đặc biệt là vào buổi trưa hàng ngày. Chợ họp quanh năm, nhưng đông đúc nhất là vào mùa nước lũ.

img

Ông Chau Ty, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho hay: “Việc cắt cỏ về bán ở Ô Lâm được xem như là mô hình làm ăn mùa nước nổi ở miền núi, vùng đồng bào Khmer của huyện Tri Tôn. Đây cũng có thể xem là mô hình “sống chung với lũ”.

img

Anh Chau Nap (ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) chia sẻ: Với chiếc tắc ráng nhỏ (tên 1 loại xuồng máy) vợ chồng phải thức từ 3  đến 4 giờ sáng tới những nơi có cỏ nhiều để cắt. Trung bình mỗi ngày cắt khoảng trên 80 bó cỏ, giá 2.500 đồng/bó, trừ tiền xăng kiếm được 200.000 đồng.

img

Còn tại xã Cô Tô, huyện Tri Tôn – An Giang hình thành chợ chuyên thu mua lá cây khô để về phục vụ nấu đường thốt nốt. Chợ hoạt động trong mùa nắng từ tháng 12 năm nay sang tháng 4 năm sau.

img

Do nhu cầu chơi đồ gỗ ngày càng nhiều, xuất phát từ đó tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên – An Giang có khoảng 5-7 cơ sở điêu khắc mỹ nghệ từ gỗ và đã có nhiều người đem những gốc cây cổ thụ bỏ đi nhiều năm. Nay họ đào lên đem ra bán với giá từ vày trăm ngàn đến vày chục triệu đồng.

img

Vào mùa lũ ở miền Tây, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành – Đồng Tháp hình thành khu chợ thu mua lục bình cộng của những người dân đi cắt bán.

img

Thông thường lục bình là những cộng mọc hoang trên các sông rạch, không được chăm sóc nhưng cây vẫn lớn nhanh. Lục bình khô chế đồ dùng thủ công mỹ nghệ. Chính vì vậy tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo ở miền Tây có nguồn thu nhập từ 50.000 -150.000 đồng/ngày.

img

Anh Nguyễn Hữu Phong, chủ cơ sở thu mua cộng lục bình ở Châu Thành – Đồng Tháp, nói: Lục bình là loài bỏ, ít ai quan tâm thậm chí có người dùng thuốc diệt chúng đi. Nhưng nay có thể làm những đồ mỹ nghệ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể thu ngoại tệ về rất lớn.

img

Do tận dụng thứ bỏ đi từ phân bò, vừa làm sạch môi trường, người dân ở huyện Trà Cú – Trà Vinh hình thành khu chợ nhỏ chuyên thu mua bán phân bò để phục vụ trồng hoa màu và cây ăn trái với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/bao phân.

img

Cây bắp sau khi thu hoạch xong thường là bỏ đi, nhưng gần đây cây bắp và cùi bắp đã trở thành sản phẩm xuất khẩu sang Đài Loan và Nhật bản. Vì hai loại này được ép thành viên để xuất bán.