Tiến sĩ Alan Phan- chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Mỹ nhận định trong cuộc trả lời PV Báo NTNN từ Washington ngày 1.8, ngay sau khi đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc mà chưa đạt được sự đồng thuận. TS Alan Phan đánh giá:
Gia nhập TPP ngoài những thuận lợi thì những người nông dân cũng ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: L.H.T
- Đây là một hiệp định phức tạp, chứa nhiều hệ quả lại liên quan đến 12 quốc gia thì luôn có những bất ngờ và bất tiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ là TPP sẽ được ký kết trong vài tháng tới vì tất cả các đoàn tham gia đàm phán đều có ý định tiến tới.
Có ý kiến cho rằng, TPP là “con bài” chính trị của Mỹ, nên người cần sốt sắng hơn cả ở đây là Mỹ. Đó cũng là lý do, các nước tham gia đàm phán lần này trở nên cứng rắn hơn và vì thế TPP không dễ dàng đạt được thoả thuận. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông có nghĩ như vậy không?
- Dù chủ yếu là hiệp định kinh tế, nhưng TPP lại mang nhiều sắc thái và mục tiêu chính trị. Với Mỹ, ngoài việc đem lại lợi ích cho giới tư bản toàn cầu, TPP còn là một vũ khí địa chính trị để khẳng định chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương. Thực ra, sự tham gia của Việt Nam dựa trên căn bản cốt lõi này khi được mời. Quyền lợi kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam gần như không đáng kể. Đây là cơ hội kinh tế cho Việt Nam và các nước nhỏ khác. Tôi cho rằng, rồi các bên đàm phán sẽ nhượng bộ nhau, dù đôi khi tỏ vẻ khó khăn.
Thưa TS, đối với Việt Nam nói riêng, những cái lợi và hại khi tham gia TPP là gì?
- Có thể điểm qua như thế này: Những cái lợi từ TPP là Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều quốc gia thành viên, tạo hiệu ứng tăng trưởng mạnh mẽ cho GDP và thu nhập cá nhân (dựa trên GDP); lượng FDI và FII (đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài) sẽ gia tăng vì theo TPP, hàng rào thuế quan, bản quyền trí tuệ và thao túng tỷ giá... sẽ giảm thiểu tối đa. Ngoài ra, khi đầu tư nhà máy vào Việt Nam, những dự án FDI từ Trung Quốc hay Hàn Quốc sẽ hưởng lợi từ thị trường của các quốc gia thành viên. Cũng trong khung cảnh tích cực đó, kiều hối (một thành tố vô cùng quan trọng cho ngân sách) sẽ “tát nước theo mưa”. Ngoài ra, khi kinh tế phát triển và hội nhập sâu, nhu cầu lao động sẽ lên cao hơn và cấp chuyên viên sẽ hăng hái trau luyện kỹ năng thêm để tăng thu nhập.
|
Với chuẩn mực mới về cạnh tranh quốc tế, có thể sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt sẽ được cải thiện về chất lượng, công nghệ và thương hiệu. Tuy nhiên, những cái lợi trên cũng đi kèm với vài thực tế hơi chua chát và những cái hại mà TPP sẽ gây ra cho nền kinh tế: Hiện nay, 72% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam là từ các doanh nghiệp FDI. Tôi không tìm ra dữ liệu là phần chia lại cho lao động và thuế lợi tức của Việt Nam được bao nhiêu phần trăm? Tôi đoán là dưới 5% vì giá nhân công quá rẻ, gia công những phân khúc sản xuất nhỏ là chính, rồi Chính phủ lại miễn trừ nhiều loại thuế với giá khuyến mãi cho đất đai hạ tầng. Như tình trạng đã xảy ra cho Trung Quốc, khi những điều kiện kiếm tiền của nhà đầu tư ngoại kém đi (giá nhân công, thuế, luật, giá đất... lên cao), họ sẽ đi tìm những nơi chốn khác.
Thứ hai, kỹ năng chuyên viên và chất lượng sản phẩm có tăng nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu. Như học trò mẫu giáo được khuyến khích để bắt kịp sinh viên đại học.
Với TPP, chúng ta không kiếm được nhiều ở các thị trường Âu-Mỹ-Nhật, nhưng thị trường nội địa phải được rộng mở để hàng ngoại tự do xâm nhập. Khi sản phẩm Việt bị giá rẻ của hàng Trung Quốc, Thai Lan cạnh tranh từ phía thấp, còn lại bị đè bẹp bởi chất lượng của hàng Âu, Mỹ, Nhật... ở phía trên; thì lợi thế cạnh tranh càng ngày càng thu hẹp cho mọi doanh nghiệp Việt.
Đáng quan tâm nhất là lĩnh vực nông nghiệp sẽ lúng túng với bộ máy hành chính nông thôn, phí thuế ngất ngưởng cao rồi lối canh tác cổ truyền manh mún, nông dân Việt sẽ chịu gánh nặng khủng của TPP.
Trong khi đó, với dòng tiền mới từ FDI và kiều hối, quyền lợi và quyền lực của nhóm nhỏ siêu giàu sẽ gia tăng mạnh mẽ. Nhóm này không những kiểm soát mọi hoạt động huyết mạch như tài chính ngân hàng chứng khoán mà còn tạo ra các chính sách hỗ trợ đắc lực cho những dự án BDS, xây dựng hạ tầng, khai thác khoáng sản...
Như ông nói, nông nghiệp là lĩnh vực đáng ngại khi tham gia TPP, và thực tế cũng cho thấy, không chỉ có nông dân, ngay cả những người quản lý, kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng không hiểu biết đầy đủ về TPP. Vậy điều gì sẽ xảy ra thưa ông?- Khó khăn chính sẽ là lợi thế cạnh tranh mà giới nông nghiệp Việt Nam chưa đủ khả năng công nghệ, tài chính và tiếp thị khi đối đầu trực tiếp với thế giới, ngay cả trên sân nhà. Tôi nghĩ phải mất ít nhất là 10 năm, dưới một cơ chế tự do và thị trường, để nông dân Việt có thể bắt kịp (theo kinh nghiệm Thái Lan). Trong trường hợp Chính phủ can thiệp bằng những biện pháp hành chính và thuế phí phi lý thì tiến trình này có thể mất 30 năm.
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ Alan Phan hiện là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hongkong. APA chuyên về hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc gia. Trước đó, ông Alan Phan điều hành Quỹ Viasa Fund tại Hongkong chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008). Ông Alan Phan nhận bằng kỹ sư, thạc sĩ tại Mỹ và tiến sĩ tại Australia. |
Việt Nam sẽ hưởng lợi nhất Ghi nhận những kết quả của TPP vừa kết thúc ngày 31.7 ở Hawaii, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận xét: "Việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện. Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất". Nhận xét của Đại sứ được củng cố thêm với kết luận của Viện Kinh tế quốc tế Peterson là việc Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy GDP tăng trưởng đáng kể. Vòng đàm phán rơi vào bế tắc do bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan đến mặt hàng ô tô. Trong khi Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện ô tô nước này xuất khẩu sang Mỹ, thì Washington muốn làm rõ nguồn gốc của các linh kiện đó có phải từ một khu vực thương mại tự do hay không. New Zealand cũng khẳng định không ủng hộ một thỏa thuận không giúp mở cửa mạnh mẽ các thị trường bơ sữa, ám chỉ Mỹ, Nhật Bản và Canada. Thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm cũng là một “bài toán hóc búa” khi Mỹ không nhượng bộ trước yêu cầu của các đối tác. |