Người ta bảo rằng, muốn biết hết thảy về một vùng quê, một địa phương nào đó, cách nhanh nhất là đến chợ - nơi diễn ra các hoạt động giao thương, đậm nét văn hóa của nơi ấy. Và chúng tôi thử một lần dù không đi du lịch đến Campuchia, chỉ bằng cách ghé thăm ngôi chợ Nam Vang trên đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM.
Mặn mòi vị biển hồ
Để vào chợ Nam Vang hay còn có tên gọi là Lê Hồng Phong…, chúng tôi được người dân hướng dẫn đến ba con đường. Hướng từ chợ hoa Hồ Thị Kỷ, hướng từ đường Hùng Vương và từ hẻm 374 đường Lê Hồng Phong. Còn ai không biết, chỉ việc hỏi, người dân nơi đây ai cũng tường tận ngõ lối vào khu chợ. Theo quan sát, chợ tạm chia làm hai khu. Một phía bán đồ ăn tươi sống với các loại rau, thịt, cá tươi, phía còn lại là các quầy đặc sản, hàng lưu niệm xen kẽ các quán ăn đậm đà bản sắc của xứ bạn.
Sản vật đất nước Campuchia được bày bán khá đa dạng tại chợ này.
Tiếng mời chào, mặc cả hàng hóa của chợ Nam Vang có vẻ như không náo nhiệt như những ngôi chợ khác. Nhưng tất cả cứ đằm thắm, nhẹ nhàng xen kẽ vào trong các câu giao tiếp là những từ “muôi phây, sam sấp” (20, 30), “tê, miên” (không, có). Những xâu khô cá lóc, rắn, ếch treo đầy các sạp hàng tỏa ra mùi nồng nàn, mặn mòi của vùng sông nước cách nơi chúng tôi đứng 240km. Những mặt hàng ở khu chợ đều được nhập từ Campuchia thông qua những người tiểu thương xuôi ngược qua lại mang sang.
“Mua đi em, khô cá biển hồ này ngon lắm. Về làm gỏi, nướng ăn đều được. Làm quà cho người thân”, chị bán hàng khô cá các loại, vận xà rông mời chúng tôi. Dù nói tiếng Việt không khác gì người bản xứ nhưng chị Hoa, chủ sạp hàng này cho biết mình là người Campuchia. Qua đây cũng tròn 20 mươi năm nhưng tháng nào cũng về quê lấy hàng hóa sang Việt Nam bán.
Tìm chút quê hương
Giống như chị Hoa, tiểu thương ở chợ đa số đều nhập hàng từ Campuchia sang. Như một truyền thống quen thuộc và đặc trưng đã tạo nên bản sắc khu chợ nên ít khi nào người nơi xa đến, khách du lịch mua nhầm các đặc sản có nguồn gốc khác. Có những loại mắm, cá chỉ có thể tìm thấy ở Campuchia.
Giá cả của các mặt hàng này cũng đa dạng với giá vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng một ký lô. “Hàng mới về thường xuyên vì xe buýt qua lại hai nước khá thuận lợi. Cứ 2-3 ngày mối quen lại đánh hàng sang cho nhà tôi. Chỉ cần báo số lượng, loại hàng sẽ có ngay. Buôn bán uy tín lâu năm nên không có chuyện hàng dỏm, hóa chất”, anh Hà, chủ một sạp hàng lạp xưởng, khô nói.
Đặc sản của xứ chùa vàng ở nới đây không chỉ khiến khách thập phương lạ miệng, ăn một lần nhớ mãi mà còn khiến những người Campuchia xa xứ tìm đến để níu kéo một chút quá khứ, để thưởng thức lại hương vị quê nhà.
Chị Phiêu, một người con dâu của xứ Việt hơn 20 năm cứ vài ngày lại đi chợ này dù nhà chị ở tận quận 8. “Cha mẹ tôi người Campuchia, tôi sinh ra và lớn lên ở nước mình tới năm 14 tuổi thì cùng qua đây với gia đình. Tôi đi chợ để mua mấy loại cá về làm món ăn cha mẹ mình thích. Cũng tiện ghé quán quen ăn bún num-bo-chóc hay chè của quê mình cho đỡ nhớ”.
Trong dòng người đi đến chợ Nam Vang này, có thể nhận biết được những người Campuchia qua nước da ngăm đen, tóc xoăn, ánh mắt hiền hiền và những chiếc váy xà rông. Có người giống như chị Phiêu đến đây để tìm chút quê hương trong ký ức và cũng có người tự coi đây là một cái gì gắn với vùng quê mình dù họ vốn dĩ người Việt.
Anh Lê Văn Nam, một người dân Khơme quê ở An Giang cũng thường chở vợ đến chợ ăn bún, mua đặc sản, mắm bò hóc. “Lúc ở quê hay ăn những món này, lên Sài Gòn nhiều năm, một lần tình cờ được bạn bè giới thiệu khu chợ này tôi mừng lắm vì có những món ăn quê mình thèm mà tìm mua ở Sài Gòn không có. Giờ ra đây hầu như tôi cần gì cũng có, như trái chúc, mắm đây còn rẻ hơn ở quê”.
Không đơn thuần là một khu chợ với công năng cung cấp nhu yếu phẩm và kinh doanh, chợ Nam Vang ở Sài Gòn còn là nơi du khách thập phương tìm được cho mình một điều gì đó thú vị, một điều gì đó ấm áp, gần gũi. Không dám tự cho như quốc hồn, quốc túy nhưng nó là một lát cắt về cuộc sống, về những con người xa xứ đang cần mẫn lao động và sinh sống ở đất Việt. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ một lần ghé đến.