Dân Việt

Về miền Tây ngất ngây cùng… bông điên điển

Minh Khuyên 04/08/2015 10:38 GMT+7
Ở miền Tây Nam bộ, vào mùa nước nổi có một loài cây mọc hoang nhưng đã trở thành nét đẹp tự bao đời ở chốn thôn quê, loài cây hoang dại ấy là điên điển.

Theo ngôn ngữ của đồng bào Khmer, điên điển còn được gọi là sa nor (đọc theo âm Việt là xà no). Và cũng từ hình ảnh này, địa danh Xà No đã trở thành biểu tượng của vùng đất Hậu Giang.

Điên điển còn gọi là điền thanh bụi, một loài cây thuộc họ đậu. Dân gian có câu rằng: Điên điển, điền thanh – Hai tên một giống. Vào mùa nước nổi, điên điển nở hoa vàng cả khắp ruộng đồng, dọc kênh mương, hay theo bờ sông, … Thường thì sáng sớm hoặc chiều ta, sau khi công việc đồng áng đã rỗi rảnh, cơm nước đã xong, những bà, những chị hay các em bé trên mười tuổi chống xuồng ba lá đi hái bông điên điển. Bông điên điển mọc thành chùm, trên một cuống có nhiều bông đơm vào.

Bông điên điển có thể ăn sống, chấm với mắm kho, cá kho. Bông điên điển cũng có thể làm rau để nấu canh chua. Người miền Tây, nhất là vùng Hậu Giang – Bạc Liêu còn dùng bông này làm nhưn (nhân) bánh xèo rất độc đáo.

img

Loài cây điển điển mọc hoang trổ bông rất đẹp, hút ong bướm. (Ảnh: Gia Bảo)

img

Món dưa bông điên điển (Ảnh: Minh Khuyên)

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là dùng bông điên điển làm dưa chua. Chỉ cần lặt rửa sạch bông, để ráo nước rồi ngâm bông trong nước vo gạo lắng trong có pha chút muối trong cái khạp sành da lươn, đậy lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là ăn được. Điều cần chú ý khi làm dưa bông điên điển là theo kinh nghiệm dân gian, người ta phải ước lượng chính xác lượng muối, nước và lượng bông điên điển có được. Nếu dưa muối, dưa không chua lại mặn, mất ngon. Ngược lại, lạt quá, bông sẽ bị thúi, dưa hư. Nhiều người còn xắt thêm ít lát gừng để lên trên. Dưa có mùi vị vừa chua, vừa giòn, vừa đăng đắng, lại có hậu ngọt, chấm với món cá kho, thịt kho hay nước tương giằm ớt ăn đều ngon miệng.

Mới hay, từ loài bông dại, dân gian lại tận dụng phục vụ một cách hiệu quả cho chính cuộc sống của mình.