Dân Việt

Tìm lại món ngoại nấu khi xưa

Minh Cúc/Thế giới tiếp thị 04/08/2015 17:01 GMT+7
Hồi nhỏ, Duy Linh đã được bà ngoại dạy làm món bánh tét, món bánh khiến anh rất tự hào vì vẫn giữ được hương vị xưa.

Khởi nguồn từ chuyện thích ăn và chỉ thích ăn ngon nên chàng kiến trúc sư Lê Duy Linh quyết định mở nhà hàng. Là dân Nam bộ nên nhà hàng của anh chỉ toàn bán món Nam bộ, đặc biệt là những món xưa từ thời… bà ngoại.

Nhiều bạn bè của anh sau khi thưởng thức món "phong cách xưa" của Linh đều nhận xét là chưa bao giờ được ăn món bánh tét có hương vị ngon như vậy. Bởi bánh được làm đúng kiểu Nam bộ xưa, khiến người ăn cảm thấy nhớ… Bánh tét gia truyền của Linh được làm khá tỉ mỉ, nếp ngâm qua đêm, xào với nước cốt dừa bồng con và nhân phải là loại chuối xiêm đen chín đem ướp với đường, muối trong vài giờ cho màu đỏ tươi, tươm mật.

img

Bà ngoại nay đã 84 tuổi, Linh chợt nghĩ: “Nếu những người như ngoại mất đi thì những thứ đó (món ăn truyền thống dân gian) sẽ đi theo”. Thế là anh lập một trang cá nhân trên Facebook để chia sẻ niềm đam mê với mọi người. Linh cho biết, trước sự “xâm lăng” của thức ăn nhanh, nước ngọt đóng chai khiến món ngon Việt Nam truyền thống dần mai một đi...

Để có cuốn thực đơn với hơn 100 món ăn Nam bộ, trong đó có vài chục món ăn xưa, Linh đã cố gắng đi tìm, lục lọi lại những thứ vẫn tồn tại trong những xóm làng xa xôi, tìm những người đã làm ra các món đó, ăn thử và cảm nhận. “Có những món người Sài Gòn hoàn toàn không biết”, anh cho biết.

img

Canh sườn non.

img

Canh riêu khoai mì.

Với lợi thế của một kiến trúc sư, Duy Linh khiến thực khách đến nhà hàng có cảm giác như đang bước vào không gian Nam bộ xưa, mộc mạc nhưng sang trọng. Thật khó diễn tả cái cảm giác ngồi ăn cơm trên bộ bàn ghế bằng cây, dưới giàn bầu, mướp lủng lẳng trái. Ở một góc vườn là cây ớt hiểm trái đỏ chi chít cành. Xung quanh là mớ rau thơm, rau dại được trồng một cách ngẫu nhiên nhất… khiến mọi thứ thiệt thân thương. Món canh riêu cua khoai mì dân dã nơi miền quê nghèo có hương vị khiến người ăn muốn rơi nước mắt vì tâm trạng thổn thức “nhớ ông bà ông vãi” mỗi khi trời chuyển mưa. Rồi nào là chả bắp, chả cá thác lác, gỏi xoài tôm khô, gỏi dưa hấu, đu đủ xào tép, khô cá giấm đường, gỏi mãng cầu, gỏi đu đủ, canh củ ấu sườn non, canh tập tàng nấu bắp, trôi nước khô, xôi Đình, bánh ướt ngọt… chứa đựng biết bao kỷ niệm thời ấu thơ của bao người.

Thế rồi, chàng kiến trúc sư có vẻ ngoài lãng tử với đôi mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn khi nhắc về các món ngon ngoại nấu ở vùng quê Châu Đốc, An Giang: “Nhớ cây sầu đâu ngoại tui trồng trước ngõ để cả xóm tới xin tuốt ngọn về trộn khô cá sặt, cuốn cá lóc nướng trui hay chấm cá kho hít hà mỗi bữa trời giông gió!” Bởi đó là cây sầu đâu ngon nhất vùng vì nó có vị đắng đằm thắm, hậu ngọt như con gái miền Tây.

Linh cho biết, mở nhà hàng không hẳn để kinh doanh mà vì niềm đam mê ẩm thực. Thế cho nên mặc dù nhà hàng ở ngay mặt tiền đường Đề Thám (quận 1) TP.HCM nhưng giá các món ăn chỉ từ 60.000 – 150.000 đồng/món.