Nếu trước đây 2, 3 năm trước đây đa phần đất nông nghiệp ở xã chủ yếu canh tác cây lúa, mía thì hiện nay nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam sành. Thực tế, chỉ khoảng 2 năm gần đây, số vườn cam trên toàn xã đã tăng nhanh chóng và chiếm hơn 90% tổng số diện tích cây ăn trái của xã Tân Long. Hầu hết ở các ấp Phụng Sơn, Thạnh Lợi B, Thạnh Lợi C, Phụng Sơn A đều chuyển đổi sang trồng cam.
Chính quyền địa phương xác định cây cam sành là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Nguồn lợi nhuận từ cây cam sành mang lại cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa 3 vụ trong năm trên cùng một diện tích.
Cam sành đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Huỳnh Văn Đức.
Nhờ sự chuyển đổi này, nhiều gia đình bắt đầu có “của ăn của để”. Bước vào vụ thu hoạch thứ ba, vườn cam hơn 7.000m2 của ông Huỳnh Văn Đức đã sai trái. Hàng năm, nhà ông Đức thu về cả tỉ đồng, ngôi nhà đang xây gần xong cũng nhờ vào cam sành. Chính vì hiệu quả nên nhiều hộ khác trong ấp cũng chuyển đổi theo. Ông Đức chia sẻ: “Học hỏi theo những nhà vườn có kinh nghiệm bên xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tôi quyết tâm trồng cam với mong muốn thay đổi cuộc sống hiện tại. Qua nhiều năm tìm tòi và cố gắng, nhà tôi đã thoát nghèo và gây dựng cơ ngơi”.
Chính khao khát làm giàu, thoát khỏi vòng lẩn quẩn được mùa mất giá của lúa, mía, anh Châu Văn Cưng, ở ấp Phụng Sơn, cũng là một trong những hộ dân chịu khó đầu tư cho cây cam sành. Anh Châu Văn Cưng chia sẻ: “Trồng cam bây giờ hiệu quả và có lãi hơn so với làm lúa và những cây trồng khác. Vườn cam 15.000m2 của nhà tôi đang cho trái chiếng, dự kiến 2-3 tháng nữa sẽ thu hoạch. Nếu giá cả ổn định như mọi năm có thể thu về vài trăm triệu đồng. Trước đây làm lúa mỗi công trúng lắm chỉ được 2-3 triệu đồng. Với người dân xứ này, cây có múi thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Những nông dân mạnh dạn trồng cam không chỉ vui với niềm vui trúng mùa mà còn rất phấn khởi vì cây cam bắt đầu bén rễ. Người trồng cam vẫn có lúc gặp khó nhưng niềm hy vọng thay đổi kinh tế gia đình vẫn luôn cháy bỏng trong lòng. Ông Huỳnh Văn Đức chia sẻ thêm: “Cả cái xóm này hầu như nhà nào cũng có từ vài trăm gốc cam. Không chỉ có gia đình tôi mà bà con xóm này đều khấm khá lên. Những ngôi nhà kế bên vừa sửa sang xong cũng nhờ cây cam. Có khá giả, người dân mới có điều kiện chăm chút cuộc sống của mình”.
Ông Lê Văn Hổ, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Xã Tân Long gần 2 vùng cam sành là huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy nên việc lo đầu ra cho cam thương phẩm cũng không quá khó khăn. Do đó, chính quyền xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Ngoài việc hỗ trợ từ các nguồn vốn vay, địa phương phối hợp với các đại lý trên địa bàn cùng với các ngành chuyên môn để liên kết và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho người dân.
Theo khảo sát, vào chính vụ giá cam sành có sụt giảm, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. Tuy nhiên, lo lắng hiện nay của xã là tình trạng bà con chuyển đổi tự phát. Xã cũng tuyên truyền, khuyến cáo bà con nên chọn giống cây có nguồn gốc xuất xứ để hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng đề nghị đến các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thực hiện mô hình, nâng cao năng suất. Đồng thời phải có những đánh giá, dự báo về thị trường mà đề ra kế hoạch chuyển đổi phù hợp với thực tiễn”.